Hậu Giang: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP, đưa nông sản địa phương vươn xa trên thị trường rộng lớn.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ hai từ phải sang) tham quan gian hàng sản phẩm OCOP trưng bày tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023. Ảnh: LÝ ANH LAM

Quan tâm phát triển sản phẩm

Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP năm 2024. Kết quả có 8 sản phẩm được Hội đồng công nhận đạt 3 sao gồm: dưa mắm Điền Long, mắm sặc Điền Long của HTX Dịch vụ nông nghiệp Điền Long, ở ấp 7, xã Long Trị A; cá lóc tẩm sả ớt, cá lóc tẩm gia vị kiểu thái, cá rô phi tẩm sả ớt, cá rô phi gia vị kiểu thái, cá sặc rằn tẩm sả ớt, cá sặc rằn gia vị kiểu thái của Công ty TNHH TM DV Natural Food VINA, khu vực 2, phường Trà Lồng. Trong đó, có 1 sản phẩm dưa lưới của HTX nông sản Mekong Delta Hưng Thịnh, khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thị xã Long Mỹ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 4 sao.

HTX này thành lập được 1 năm, có 31 thành viên. Với sự đầu tư bài bản về nhà màng và lưới chuyên dụng giúp tránh các loại sâu bệnh gây hại, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm dưa lưới của HTX đảm bảo quy trình sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài địa bàn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của HTX phát triển tốt, chỉ sau 75 ngày trồng trọng lượng từ 1,2-1,6kg mỗi trái, với giá bán dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với các sản phẩm nông nghiệp khác. Hiện nay, ngoài bán sản phẩm tươi, dưa lưới còn làm nước ép để du khách đến các vườn dưa lưới tại địa phương vừa được tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng dưa lưới, vừa có thể tự tay hái các sản phẩm và thưởng thức ngay sản phẩm tươi và nước ép tại vườn. Với việc được công nhận đạt chuẩn OCOP, định hướng phát triển thị trường đối với sản phẩm dưa lưới của HTX sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc HTX nông sản Mekong Delta Hưng Thịnh, cho biết thêm: HTX đang liên kết, bao tiêu sản phẩm dưa lưới với nông dân ở các vùng trồng dưa lưới của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và các địa phương của thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Long An. Hiện mỗi ngày, HTX cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh 6-7 tấn dưa lưới. Sau khi nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp, ngoài bán sản phẩm tươi, hiện nay HTX đang tính toán làm nước ép để hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, dây dưa còn có thể làm phân bón cho các cây trồng khác. Đối với ngành du lịch, du khách đến các vườn dưa lưới tại địa phương vừa được tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng dưa lưới, vừa có thể tự tay hái các sản phẩm và thưởng thức ngay tại vườn.

Bên cạnh việc tăng số lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, thị xã Long Mỹ đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, cải thiện xếp hạng sao của các sản phẩm tham gia chương trình. Cơ sở thu mua và chế biến cá thát lát của anh Võ Đình Chiến, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, là đơn vị đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị từ 3 năm trước. Những năm gần đây cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu như trước khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP thì bình quân mỗi tháng cơ sở chỉ tiêu thụ khoảng 200-300kg cá thát lát, còn bây giờ thì số lượng tăng lên gấp 2-3 lần.

Hiện nay, anh Chiến đang sở hữu 10 ao nuôi cá giống với quy mô lớn. Riêng xưởng chế biến sản phẩm cá thát lát rút xương đông lạnh mỗi ngày thu hút từ 20-50 lao động với mức thu nhập từ 150.000-250.000 đồng. Đa số lao động ở xưởng là phụ nữ nghèo, nhiều người không có đất sản xuất. Sản phẩm OCOP cá thát lát tẩm gia vị của cơ sở được tái công nhận vào đầu năm nay. Anh Chiến cho biết: “Khi tham gia vào OCOP, sản phẩm của cơ sở có cơ hội được quảng bá nhiều hơn, vì thế được nhiều người biết đến. Điều này rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Thời gian qua, trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Về hình thức như bao bì, nhãn mác được quan tâm, cải tiến để đáp ứng được với thị hiếu và nhu cầu của thị trường”.

Như vậy, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, thị xã Long Mỹ đã có 45 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP  không chỉ được tiêu thụ tại chỗ, mang tính chất địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong tỉnh và khu vực; điều này cho thấy sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ đã tạo được lòng tin với người tiêu dùng về vấn đề chất lượng. Ông Trịnh Minh Tình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Sau nhiều năm triển khai, Chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế của địa phương. Đồng thời, giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình đang được thị xã tiếp tục chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước tiến tới xuất khẩu.


Ông Nhã, Phó Giám đốc HTX nông sản Mekong Delta Hưng Thịnh (phía sau), giới thiệu quy trình trồng dưa lưới cho du khách. Ảnh: H.NHÂN

Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết HTX bắt đầu làm sản phẩm gạo sạch từ năm 2019. Gạo sạch Vị Thủy của HTX cũng được công nhận sản OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt mới đây, HTX cũng đã ra mắt Trung tâm phát triển kinh doanh “Gạo sạch Vị Thủy” tọa lạc ở Đại lộ Võ Nguyên Giáp, thuộc ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Đây là đơn vị chuyên trưng bày, giới thiệu và mua bán các dòng sản phẩm gạo sạch do HTX Tân Long nghiên cứu sản xuất. Điển hình là nhóm sản phẩm gạo từ giống lúa ST 21, ST 24, ST 25, sản phẩm gạo lức, thơm lài và một bụi. Hiện tại, HTX Tân Long thực hiện liên kết vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh để tạo ra thương hiệu gạo sạch cho HTX được 380ha. Do đó, việc mở Trung tâm phát triển kinh doanh “Gạo sạch Vị Thủy” là nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển đối tác trong tiêu thụ sản phẩm gạo sạch của HTX Tân Long; qua đây góp phần ngày càng hoàn thiện việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo và nguồn thu nhập cho thành viên, cũng như nông dân tại vùng lúa nguyên liệu của HTX. 

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện. Tỉnh cũng đăng ký 11 sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương. Trong năm 2024 này, bên cạnh tiếp tục công nhận các sản phẩm OCOP mới thì sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nhất là sản phẩm OCOP… nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Theo kế hoạch về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024, đối với sản phẩm huyện, thị xã, thành phố thì mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện. Trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh. Tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

H.THU – H.NHÂN
Báo Hậu Giang – baohaugiang.com.vn