Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ

TITC – Ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND về việc Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025.

Kế hoạch nhằm cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện của tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, mục tiêu của chương trình là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả. Phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông – lâm – ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. 

 

Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Hà Tĩnh đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.

Về mục tiêu cụ thể, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch khác tại điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

 

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh. 

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% chủ cơ sở du lịch nông thôn, quản lý, nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và cộng đồng du lịch nông nghiệp, nông thôn. Mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ.

 

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: (1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường hợp tác về phát triển du lịch nông thôn. (2) Xây dựng, phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn. (3) Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn. (4) Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. (5) Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn.

Về khâu tổ chức, thực hiện, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này. Đồng thời phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị, đoàn thể, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm và đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn cho các địa phương, các đơn vị quản lý, đơn vị lữ hành và các đối tượng tham gia phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm xây dựng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn giữa cơ quan quản lý với các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các làng nghề, hiệp hội du lịch… nhằm kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn. 

Chỉ đạo, phối hợp tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Hướng dẫn thực hiện công nhận điểm du lịch nông thôn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; triển khai chính sách hỗ trợ về du lịch.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL và các địa phương rà soát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm OCOP nhóm 6 “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Phối hợp lựa chọn, đề xuất nghề, làng nghề để xây dựng mô hình khi có yêu cầu.

Đồng thời rà soát, tham mưu bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực phụ trách có liên quan đến phát triển du lịch nông thôn. Phối hợp với các địa phương và Sở VHTTDL xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Phối hợp với Sở VHTTDL triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này đảm bảo chất lượng, tiến độ.

 

Trung tâm Thông tin du lịch