Hà Nội định hướng phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

TITC – Kế hoạch số 73/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, Thủ đô đặt ra  mục tiêu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.

Phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông – lâm – ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đồng thời phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Hà Nội đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.

 

Về chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, kế hoạch đề ra mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Cùng với đó, mỗi huyện, thị xã của thành phố có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể: Nông dân – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Doanh nghiệp.

Thành phố cũng sẽ đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

 

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể,  gồm: (1) Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố; (2) Tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; (3) Xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; (4) Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Doanh nghiệp; (5) Quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; (6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; (7) Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; (8) Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong đó thành phố Hà Nội đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành tổ chức điều tra, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông nghiệp nông thôn Hà nội để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Đồng thời nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn phục vụ công tác quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với nông thôn mới.

Tập trung bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị truyền thống trong sản phẩm du lịch. Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, hiện đại, có tính cạnh tranh cao, phát triển mạnh các loại hình du lịch, dịch vụ tại các làng nghề trọng điểm gắn với du lịch..

Tập trung đầu tư các công trình công cộng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ về giao thông, điện nước, internet, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, trung tâm thông tin và điều hành chung cho từng mô hình.

Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng các chuỗi liên kết trong phát triển du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm Thông tin du lịch