Là tỉnh miền núi, biên giới với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, một số nơi thường thiếu nước sinh hoạt, sản xuất từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, nên tình trạng các cánh đồng bị bỏ hoang vào mùa Đông không còn xa lạ trên địa bàn tỉnh. Dưới sự tuyên truyền của các cấp, ngành, những năm gần đây, người dân đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, những cánh đồng thay vì “nằm” im chờ vụ mới thì nay nhiều nơi đã được phủ bởi màu xanh tươi tốt của ngô và các loại rau, màu.
Anh Hạng Thèn Xà ở thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Trước đây, những thửa ruộng của gia đình chỉ trồng được lúa 1 vụ, mùa Đông thường bỏ hoang do thời tiết khắc nghiệt. Cách đây vài năm, được sự tuyên truyền của cán bộ xã, gia đình tôi cùng một số hộ khác trong thôn đã tích cực cải tạo đất, dẫn nước về để trồng rau vụ Đông. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên các cây rau, đậu như: Bắp cải, Su hào, Củ cải, đậu Hà Lan, bí đỏ… phát triển rất tốt, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Vụ Đông vừa qua, toàn thôn có hơn 30 hộ thực hiện với tổng diện tích trên 10 ha. Qua thống kê, bình quân các hộ thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/hộ/vụ, cao hơn nhiều so với một số giống cây trồng truyền thống.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông 2023 – 2024 của toàn tỉnh đạt trên 13.308 ha, tăng 3,53% so với cùng vụ năm trước. Không chỉ có các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình mà mô hình trồng cây vụ Đông, thâm canh tăng vụ đã nhân rộng ra nhiều địa phương khác, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân, góp phần gia tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác.
Cùng với thâm canh tăng vụ, không cho đất nghỉ, ngành Nông nghiệp tăng cường hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 7.900 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, như trồng rau màu, cây ăn quả. Dựa trên đặc điểm tiểu vùng khí hậu, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt) ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình; vùng sản xuất chè Shan tuyết ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần; vùng nuôi ong Bạc hà, nuôi bò vàng ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá; vùng trồng cây dược liệu ở Vị Xuyên, Quản Bạ.
Đặc biệt, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo hướng gắn vùng nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ. Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, HTX như: Chuỗi liên kết trồng ớt tại xã Tùng Bá (Vị Xuyên); chuỗi liên kết trồng Dưa chuột tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ); chuỗi liên kết trồng gừng, Củ cải phục vụ xuất khẩu tại huyện Xín Mần; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mật ong Bạc hà tại huyện Đồng Văn… Trong các chuỗi liên kết này, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, người dân cũng thay đổi tư duy, nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt; các sản phẩm được thu mua với giá cả ổn định. Hiệu quả kinh tế của các mô hình liên kết cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.
Tận dụng lợi thế sẵn có, một số địa phương đã từng bước khai thác được những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch… để tạo nên điểm nhấn thu hút du khách. Nhiều mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đã hình thành ở các huyện, thành phố, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Điển hình như huyện Bắc Quang xây dựng vườn cam Sành VietGAP thành điểm du lịch sinh thái; Vị Xuyên xây dựng tour tham quan đồi chè Shan tuyết cổ thụ gắn với trải nghiệm các công đoạn thu hái, chế biến chè; Hoàng Su Phì với sản phẩm bắt cá Chép, cấy, gặt lúa trên ruộng bậc thang, hái mận Máu; các huyện vùng Cao nguyên đá trồng hoa Tam giác mạch thu hút du khách tham quan, trải nghiệm các công đoạn như làm bánh Tam giác mạch, nấu rượu Tam giác mạch… Các địa phương cũng chú trọng bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống như: Chạm bạc, làm chổi chít, thêu dệt thổ cẩm, đan quẩy tấu… để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính cạnh tranh cao. Phát triển du lịch nông nghiệp đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách, vừa tạo việc làm, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, gia tăng thu nhập cho nông dân.
Với phương châm “Lấy lợi nhuận của người nông dân làm thước đo”, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất hàng hóa theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho sản xuất; huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Tiếp tục phát triển đa dạng các mô hình du lịch canh nông, hướng tới xây dựng ngành Nông nghiệp đa giá trị.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương
Báo Hà Giang – baohagiang.vn