Thôn Chì nằm cách trung tâm huyện Quang Bình hơn 10 km. Thôn là một thung lũng, phía sau là những dãy núi cao bao bọc. Bao đời nay, đồng bào dân tộc Tày trong thôn vẫn sinh sống bên những nếp nhà sàn truyền thống. Bởi vậy, nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày và được thể hiện độc đáo qua các lễ hội, tín ngưỡng, trang phục, nghề đan lát, thêu thùa, ẩm thực. Vào mùa Xuân này, du khách chỉ cần ghé đến bản làng là đã có thể cảm nhận mùi hương hoa ngọt ngào của cỏ cây, hoa lá. Nhìn từ xa, thôn Chì đẹp như một bức tranh với những đồi núi, thửa ruộng xanh mơn mởn, những mảnh vườn đầy ắp hoa trái với một không gian vô cùng trong lành và thoáng đãng.
Có lẽ, nhờ được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều thứ mà những loại cây trồng ở thôn Chì đều rất hợp đất, cho quả thơm ngon, ngọt hơn hẳn so với nơi khác. Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Hoàng Thị Kiệm đã tiên phong trồng thử nghiệm cây Dâu tây với diện tích 2.000 m2. Là năm đầu tiên thực hiện, mô hình trồng Dâu tây được huyện hỗ trợ 50% giá cây giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ni lông che phủ. Vì đây là giống cây mới nên vừa trồng chị vừa phải tự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc. Theo chị Kiệm, cây Dâu tây phải trồng ở những nơi đất đảm bảo độ tơi xốp, quá trình chăm sóc phải đúng quy trình, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó thì mới thành công được.
Hiện nay, vườn Dâu tây của gia đình chị Kiệm đang cho thu hoạch đều đặn. Đến đây, du khách được tham quan, trải nghiệm, có thể tự tay hái và thưởng thức những trái Dâu tây ngọt lịm ngay tại vườn. Mỗi khách đến chụp ảnh là 10 nghìn đồng/lượt, giá bán Dâu tây trung bình 200 nghìn đồng/kg; là mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm khá mới mẻ nên lượng khách đến những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua khá đông. Mô hình này đã giúp gia đình chị Kiệm có thêm một khoản thu nhập ngoài dịch vụ homestay.
Anh Nguyễn Minh Hưng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Trong chuyến du Xuân lần này, đoàn chúng tôi đã ghé thăm Hà Giang. Sau khi kết thúc hành trình khám phá những huyện vùng Cao nguyên đá, chúng tôi đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chì vào đúng dịp xã tổ chức Lễ hội Lồng Tồng. Tôi thấy rằng nét văn hóa ở đây rất phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện, mến khách. Đoàn chúng tôi không quên lưu lại những bức ảnh đẹp nhất để giới thiệu cho bạn bè, người thân. Có một điều đặc biệt làm tôi bất ngờ và thú vị là cách làm du lịch của người dân, vừa giữ được hồn quê, vừa phát triển loại hình du lịch nông trại như vườn Dâu tây, tạo điểm nhấn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống”.
Ngoài mô hình trồng Dâu tây, thôn Chì cũng đang trồng thử nghiệm một số loại cây hoa, dược liệu quý theo đúng chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của huyện Quang Bình. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao tại các xã, làng văn hóa du lịch cộng đồng và tạo cảnh quan, môi trường sinh thái thu hút du khách để nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Mộc Lan
Báo Hà Giang – baohagiang.vn