Hà Giang nổi tiếng với thương hiệu du lịch mùa hoa Tam giác mạch. Những cánh đồng hoa Tam giác mạch bạt ngàn trên Cao nguyên đá không chỉ thu hút khách du lịch xa gần mà nó còn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Vừa qua, đã đánh dấu sự kiện hạt Tam giác mạch bắt đầu được xuất khẩu sang Nhật Bản. Sau khi được Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam đánh giá cao chất lượng của hạt Tam giác mạch trồng trên vùng Cao nguyên đá. Các sản phẩm khác như bánh, rượu, bia Tam giác mạch… cũng là những mặt hàng thu hút khách du lịch. Hay du lịch mùa vàng trên những ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cũng là một sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
Trải nghiệm dù lượn ở Hoàng Su Phì. Ảnh: Đức Quý
Tại huyện Quản Bạ được coi là một trong những nơi thu hút đông du khách đến tham quan với nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Huyện đã xây dựng các nhóm sản phẩm theo chuyên đề đặc sắc mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Một trong số đó là vườn hoa đào tại xã Cao Mã Pờ là một sản phẩm du lịch lạ, hấp dẫn do Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ thực hiện; tại đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống thanh bình, mến khách của người dân bản địa, thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, bầu không khí trong lành, thưởng thức vẻ đẹp của các loài hoa rừng và ẩm thực độc đáo chỉ có ở địa phương như: Cháo Ấu tẩu, xôi ngũ sắc, rau quả trồng tự nhiên… Hay du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ là nơi đã đạt danh hiệu OCOP 4 sao, để đắm mình trong khung cảnh thôn, bản vùng cao tuyệt đẹp và được tham gia thu hoạch nông sản cùng người dân địa phương, hái và thưởng thức trái mận tại vườn, đi trekking… Năm 2023, thôn Nặm Đăm được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3. Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village tại xã Đông Hà được vinh danh là khách sạn xanh ASEAN. Đây đều là những mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Khách du lịch trên cánh đồng hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn. Ảnh: L.H
Những năm gần đây, nhận rõ lợi thế từ việc kết hợp phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nhiều địa phương của tỉnh đã có ý tưởng tạo ra các mô hình hấp dẫn như: Trải nghiệm làm nương, cày bừa, thu hoạch lúa, hái chè… với người dân tại các làng du lịch cộng đồng. Tham quan vườn chè Shan tuyết cổ thụ, rừng Thảo quả tại Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Thăm các gia trại, trang trại cam Bắc Quang, Vị Xuyên… gắn trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng với các hoạt động tham quan, trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu, đặc sản địa phương tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Hoàng Su Phì.
Du khách trải nghiệm du lịch tại rừng đào Cao Mã Pờ (Quản Bạ). Ảnh: Việt Tú
Đến nay, tỉnh có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao phục vụ du lịch; 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và 201 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đạt sao. Các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh phục vụ du lịch như thổ cẩm vải lanh, chạm bạc, đan lát, cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, thịt trâu, bò khô, dược liệu… được du khách rất ưa chuộng. Tỉnh đã tổ chức các điểm trưng bày, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại cầu Trì (Bắc Quang), Công viên Quảng trường 26-3 và tại Km 11 Quốc lộ 4C thuộc địa phận xã Thuận Hòa (Vị Xuyên)… đang phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến du lịch với những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo dành cho du khách.
Tỉnh và các địa phương cũng đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư cho 40 làng văn hóa tiêu biểu theo Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; các làng văn hóa được công nhận là Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và 16 làng thuộc Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025 theo Quyết định số 501/QĐ-UBND, ngày 8/4/2020 của UBND tỉnh. Các làng văn hóa này sau khi đi vào hoạt động đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, đóng góp vào phát triển KT-XH địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch homestay trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Phát triển du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương. Du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ở các vùng nông thôn. Gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới, Chương trình OCOP, bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm, từ đó góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Lê Hải
Báo Hà Giang – baohagiang.vn