Giải bài toán về độ nhận diện sản phẩm OCOP Hậu Giang

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, các địa phương tùy theo lợi thế đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông – lâm – thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, thương hiệu riêng từng địa phương…

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu làm tăng mức độ nhận diện, từng bước khẳng định sản phẩm OCOP Hậu Giang

Chưa quan tâm đăng ký nhãn hiệu độc quyền

Hậu Giang với lợi thế là ngành nông nghiệp có nền tảng phát triển và định hướng rất rõ ràng, cụ thể là đối với đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng địa phương, rất thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.

Qua thống kê, Hậu Giang đang có 175 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao của 82 chủ thể là người dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Đặc biệt, có 5 sản phẩm đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương năm 2023. Tuy số lượng sản phẩm tăng nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, mà chủ yếu tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, còn thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình. Do vậy, phát triển chiều sâu các sản phẩm OCOP hiện có, xây dựng thương hiệu, bảo tồn thương hiệu để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP của tỉnh, tiến tới đạt sản phẩm 5 sao trong thời gian tới là một yếu tố cần thiết.

Theo thạc sĩ Phan Phú Thịnh, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại thì hệ thống nhận diện thương hiệu là một công cụ quan trọng để tạo dựng uy tín, tăng cường sự tin cậy và khẳng định chất lượng của các sản phẩm OCOP. Hệ thống nhận diện thương hiệu bao gồm các yếu tố như: logo, slogan, màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh, âm thanh, video và các yếu tố trực quan khác liên quan đến sản phẩm OCOP.

“Tuy nhiên, hệ thống nhận diện thương hiệu của các sản phẩm OCOP Hậu Giang hiện nay còn nhiều hạn chế như: Logo chưa có sự thống nhất, đồng bộ và nhận diện cao; hình ảnh, màu sắc và kiểu chữ không liên quan đến sản phẩm hoặc địa phương, gây nhầm lẫn và khó nhớ cho người tiêu dùng. Slogan chưa có sức gây ấn tượng, thuyết phục, chưa thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng”, thạc sĩ Phan Phú Thịnh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, trong số 175 sản phẩm đạt phân hạng 3 sao, 4 sao, nhiều sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu độc quyền (chiếm hơn 70%). Từ đó dễ dàng nhận thấy, việc đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ vẫn chưa được các chủ thể OCOP thật sự quan tâm.

Xây dựng thương hiệu – đòn bẩy gia tăng giá trị sản phẩm

Trong quá trình thực hiện chương trình, để sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ trong nước và hướng tới xuất khẩu thì sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu phải được chú trọng để khẳng định chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững.

Nhận định Thương hiệu tạo ra giá trị cho các sản phẩm OCOP, tiến sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, cho biết: Để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm thì vấn đề cốt lõi là tạo ra giá trị của sản phẩm. Thực tế, các sản phẩm OCOP hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng có những nét tương đồng trong nội tỉnh hay ngoại tỉnh từ mẫu mã, hình dáng, công dụng. Từ đó, vấn đề cốt lõi phải tạo ra được sự khác biệt tích cực của sản phẩm như: nhấn mạnh lợi ích của sản phẩm thay vì tính năng; sử dụng phương châm kinh doanh, tầm nhìn hay sứ mệnh như một điểm bắt đầu để mô tả giá trị sản phẩm.

Mặt khác, phần “then chốt” trong thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản phẩm OCOP là việc khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả.

Thạc sĩ Nguyễn Uyên Chi, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, cho rằng: Doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh ở Hậu Giang cần phải thay đổi tư duy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời đại chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube để xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu, chú trọng xây dựng câu chuyện thương hiệu, qua đó, quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả.

Ngoài ra, cần cải tiến và nâng cao hệ thống nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh bằng cách thiết kế lại logo, slogan, màu sắc. Chủ thể OCOP cần áp dụng các công nghệ số để tăng cường tính tương tác và trải nghiệm của người tiêu dùng với hệ thống nhận diện thương hiệu. Đồng thời, tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc ủng hộ sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Để duy trì và phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP, cũng như tạo ra sự khác biệt và tăng cường sức hút với người tiêu dùng, việc xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh là một yếu tố then chốt, tạo thêm giá trị, lòng tin từ khách hàng, từ đó giúp nâng tầm thương hiệu các chủ thể OCOP và các doanh nghiệp trong tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu từng bước nâng cao chất lượng, góp phần khẳng định sản phẩm OCOP Hậu Giang.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, các sản phẩm OCOP Hậu Giang được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt cùng với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành cùng chung tay triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế – xã hội…

Bài, ảnh: Y.Linh

Báo Hậu Giang Online – baohaugiang.com.vn