Du lịch sinh thái biển Quảng Ninh: Hướng phát triển tiềm năng

Theo xu thế chung, ngày càng có nhiều khách du lịch muốn tham gia các tour hành trình khám phá, mạo hiểm. Với những thế mạnh sẵn có về biển đảo, đây sẽ là cơ hội tốt để Quảng Ninh phát triển loại hình du lịch sinh thái biển. Tuy nhiên, để xây dựng và khai thác được lợi thế du lịch sinh thái biển vẫn còn nhiều việc phải làm đối với ngành du lịch địa phương.

Tuyến du lịch biển đảo Việt Nam có khoảng 3.000 đảo lớn, nhỏ, riêng tỉnh Quảng Ninh đã tập trung hơn 2.000 đảo ở các Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Với thế mạnh này, Quảng Ninh xác định du lịch biển đảo là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mặc dù vậy, nhìn ở góc độ so sánh tiềm năng, thế mạnh và sự đầu tư phát triển du lịch địa phương hiện nay đang chỉ tập trung ở một số địa danh đã rất nổi tiếng chứ chưa mở rộng khai thác các điểm du lịch mới. Trong khi khách du lịch hiện đang rất quan tâm đến điều này. Đơn cử như tại Cô Tô, mặc dù là một hòn đảo đẹp có nhiều lợi thế về du lịch nhưng Cô Tô vẫn chưa đánh thức được các tiềm năng vốn có. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch Việt Nam: Khả năng tìm nguồn đầu tư về du lịch cho Cô Tô không khó. Việc phát triển du lịch ở đảo cũng chỉ là chuyện trong nay mai. Tuy nhiên, việc đầu tư du lịch ở Cô Tô hiện nay còn khá manh mún. Việc quảng bá hình ảnh rất hạn chế. Nếu biết làm du lịch, chắc chắn trong tương lai Cô Tô sẽ không thua kém đảo Phú Quốc của Kiên Giang. Trong đó, dựa trên ưu thế thiên nhiên sẵn có, các loại hình du lịch dã ngoại, du lịch mạo hiểm, hoặc khai thác thành khu du lịch sinh thái biển sẽ rất phát triển.

Được biết, trong những năm qua nguồn vốn ngân sách tỉnh đã quan tâm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho nhiều địa phương như Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái… Đặc biệt, ở Cô Tô, dự án đưa lưới điện ra huyện đảo này đang được tích cực triển khai. Điều này sẽ hỗ trợ đáng kể hoạt động du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng của địa phương. Vì hầu hết hạng mục công trình đều là làm đường, hoàn thiện hệ thống điện, điện chiếu sáng… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay đã tham gia cùng với tỉnh hoàn thiện dịch vụ cho du lịch như hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ hiện vẫn chủ yếu tập trung ở một số địa bàn du lịch phát triển mạnh từ trước như TP Hạ Long, TP Móng Cái… Trong khi các khu vực có thể phát triển du lịch sinh thái như các huyện đảo, mức đầu tư dịch vụ còn nhiều hạn chế.

Cũng theo đánh giá của Tổng cục Du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái biển nói chung hiện nay vẫn rất thiếu những chương trình đặc sắc. Tại Quảng Ninh, du lịch sinh thái biển đảo có thể nói là vẫn chưa thực sự làm thoả mãn sự khám phá của du khách. Trong chuyến du lịch dài hơn 2 tuần khắp đất nước Việt Nam, anh Mice (CHLB Đức) đã dành riêng 4 ngày để tìm hiểu cuộc sống của người dân các làng chài sống trên Vịnh Hạ Long. Anh cho biết: Tôi rất muốn biết cuộc sống của ngư dân trên một trong những Vịnh đẹp nhất thế giới sẽ như thế nào. Và điều làm tôi thích thú là không những tôi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ mà còn được tạo điều kiện tham gia công việc hàng ngày của ngư dân làng chài Vung Viêng như: Chèo thuyền, bắt cá… Điều này thật sự rất tuyệt vời và sẽ khiến tôi nhớ đến Việt Nam lâu hơn. Tôi còn muốn được thăm một số làng chài nữa, nhưng do những địa điểm đó chưa kết nối với các Công ty lữ hành và chưa đảm bảo yếu tố an toàn cho du khách nên thật tiếc khi chưa được đến.

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch được tổ chức trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt nhằm mục tiêu nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hoá hiện hữu. Đây là loại hình mà hầu hết các quốc gia đều đang hướng tới hiện nay. Xét trên tiêu chí tài nguyên thiên nhiên, du lịch Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển loại hình này. Điều quan trọng là phải có tầm nhìn chiến lược cho sự đầu tư đảm bảo cân bằng giữa hoạt động dịch vụ với các yếu tố thiên nhiên, cảnh quan và môi trường.

Hồng Nhung