Du lịch nông thôn – xung lực mới cho vùng biên Hồng Ngự, Đồng Tháp

Với những sản phẩm riêng biệt và độc đáo, ngành du lịch huyện Hồng Ngự đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần tạo động lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống người dân…


Khách du lịch tham quan tại Điểm du lịch Vườn Nho Ba Tuấn, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự

Du lịch nông thôn vùng biên khởi sắc

Một trong những mô hình du lịch nông nghiệp tạo được điểm nhấn, thu hút khách du lịch thời gian qua tại huyện Hồng Ngự phải kể đến Điểm du lịch Vườn Nho Ba Tuấn, xã Long Khánh B. Dù chỉ mới đưa vào hoạt động từ năm 2020, nhưng nhờ không ngừng đổi mới, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, Điểm du lịch Vườn Nho Ba Tuấn đã trở thành một trong những điểm tham quan được nhiều du khách ưu tiên khi đến du lịch tại huyện Hồng Ngự.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn – chủ Điểm du lịch Vườn Nho Ba Tuấn, tâm sự: “Chính thức đưa vườn nho phục vụ khách tham quan vào dịp Tết Dương lịch năm 2020 và gia đình chúng tôi rất vui khi nhận được sự yêu mến và phản hồi tích cực từ du khách. Do đó, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp với trải nghiệm sản phẩm OCOP tại vườn nho. Hiện tại, đến tham quan điểm du lịch, ngoài thỏa sức chụp hình bên vườn nho trĩu quả, du khách còn thử sức với dịch vụ câu cá giải trí, tham gia phiên chợ ẩm thực vào những dịp cuối tuần. Đặc biệt, khách du lịch cũng thưởng thức và mua sắm một số sản phẩm OCOP được sản xuất tại chỗ như: rượu nho, nước ép nho, rượu bưởi… Mặc dù mới bén duyên với việc làm du lịch, song tôi nhận thấy du lịch nông nghiệp đang là hướng đi triển vọng, giúp những người nông dân ở khu vực nông thôn tăng thu nhập và phát triển kinh tế bền vững hơn”.


Quầy trưng bày sản phẩm OCOP của Điểm du lịch Vườn Nho Ba Tuấn

Nhận thấy triển vọng từ mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, thời gian qua, nhiều đơn vị và hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Một trong những mô hình du lịch cộng đồng của huyện Hồng Ngự tạo được dấu ấn và thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh trong năm 2023 phải kể đến “Phiên chợ quê xã Long Thuận”. Chính thức phục vụ du khách từ giữa tháng 5/2023, đến nay, phiên chợ quê đã đón hơn 60.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.

Anh Dương Minh Sang – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (đơn vị chịu trách nhiệm khai thác và quản lý mô hình “Phiên chợ quê xã Long Thuận”), cho biết: “Thời gian đầu, HTX cũng gặp khó khăn khi vận động người dân, các hộ tiểu thương địa phương tham gia phiên chợ. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, phiên chợ thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, giải trí nên ngày càng có nhiều hộ tiểu thương tham gia kinh doanh tại phiên chợ. Hiện phiên chợ quê có trên 150 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh với nhiều mặt hàng như: sản phẩm đặc sản của địa phương, các loại bánh dân gian, sản phẩm OCOP của huyện Hồng Ngự… Ước tính trong năm 2023, “Phiên chợ quê xã Long Thuận” đón tiếp khoảng 60.000 lượt du khách đến tham quan, mua sắm. Từ đó, góp phần giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập, HTX, các chủ thể OCOP tại địa phương có điều kiện quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng…”.

Theo UBND huyện Hồng Ngự, năm 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện tiếp đón trên 128.700 lượt khách, tăng 63.000 lượt khách so với cùng kỳ. Nhờ sự tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19 nên doanh thu từ ngành du lịch của huyện đạt 32,17 tỷ đồng, tăng 15,75 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây được xem là tín hiệu lạc quan cho thấy dư địa để khai thác ngành công nghiệp không khói ở khu vực nông thôn còn rất lớn.

Khách du lịch nước ngoài tham quan Làng nghề dệt choàng Long Khánh A. Ảnh: Văn Bửu

Đầu tư chuyên nghiệp để phát triển bền vững

Có thể thấy du lịch nông thôn đang trở thành một trong những đòn bẩy mới giúp kinh tế của khu vực nông thôn vùng biên Hồng Ngự phát triển. Tuy nhiên, để khai thác hết những lợi thế của du lịch nông nghiệp, nông thôn, huyện Hồng Ngự vẫn cần phải có những chiến lược đầu tư dài hơi hơn. Hiện nay, nhiều mô hình du lịch của huyện Hồng Ngự như: Làng nghề dệt choàng Long Khánh A, “Phiên chợ quê xã Long Thuận”, Khu du lịch sinh thái Tiên Định, xã Phú Thuận A; Bãi tắm cồn Long Khánh A; Bãi tắm cồn Thường Thới Tiền… đang là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, do chưa tạo được sự kết nối, các sản phẩm dịch vụ chưa được đầu tư chuyên sâu nên các mô hình này chỉ dừng lại ở giới hạn tiếp đón khách tham quan chứ chưa thể “giữ chân” du khách ở lại lâu hơn tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Chiều – chủ Cơ sở Dệt khăn choàng Kim Chiều, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Sau khi nghề dệt choàng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đã tạo nhiều thuận lợi cho công việc sản xuất, kinh doanh và du lịch của người dân tại làng. Sau lễ công nhận, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan làng nghề, hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn so với cùng kỳ những năm trước. Dù có yếu tố thuận lợi, nhưng do chưa có các dịch vụ lưu trú và chưa có nhiều sản phẩm du lịch nên phần đông du khách đến thăm Làng nghề dệt choàng rồi di chuyển đến nơi khác. Đây cũng là trăn trở của tôi. Vì vậy, trong định hướng sắp tới, tôi mong muốn có điều kiện đầu tư thêm dịch vụ lưu trú và liên kết với một số khu, điểm du lịch khác tại địa phương nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn…”.


Nghề dệt choàng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần phát triển du lịch tại huyện Hồng Ngự

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy lợi thế về tài nguyên bản địa, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, huyện Hồng Ngự chú trọng thực hiện nhiều giải pháp. Bà Đặng Thị Yến Trinh – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự cho biết, nhằm tạo điều kiện để ngành du lịch của địa phương phát triển, việc đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch được huyện đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, nhằm tạo sức hút cho du khách khi đến tham quan tại địa phương, huyện cũng rất quan tâm phát triển đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đặc sắc của huyện gắn với sản phẩm OCOP để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Hồng Ngự. Cùng với đó, từng bước giúp nâng cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có tại các điểm du lịch trọng điểm; phối hợp với các cơ sở sản xuất hàng đặc sản địa phương và hàng quà lưu niệm, quà tặng du lịch để giới thiệu, quảng bá phục vụ khách du lịch tại các điểm tham quan, du lịch…

Mỹ Lý