Du lịch nông thôn Quảng Ngãi – Sắc màu bình yên

Du lịch nông thôn trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi đến Quảng Ngãi để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, con người, cuộc sống tại vùng nông thôn. Quảng Ngãi là nơi tuyệt vời để du khách tìm đến, hòa mình với thiên nhiên.

Đánh thức tiềm năng du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn và triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.


Du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi.

Những mô hình du lịch này không chỉ làm thay đổi bộ mặt của nông thôn mà còn tạo ra rất nhiều giá trị; góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đưa kinh tế phát triển theo hướng bền vững.

Ngày 20/02/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND về việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch, sẽ tập trung phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. Đây là giải pháp giúp người dân có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng NTM sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Đến nay, Quảng Ngãi có 02 sản phẩm du lịch được công nhận OCOP. Một số HTX NN – dịch vụ và du lịch cộng đồng đã được thành lập với mục tiêu kết hợp những giá trị văn hóa lâu đời với thực tế phát triển hiện có để tạo nét đặc trưng, thu hút du lịch trải nghiệm nông thôn, mang lại những hiệu ứng rất tích cực.

Đến Bàu Cá Cái như lạc vào chốn thần tiên

Thực hiện hoạt động của Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã tổ chức Hội nghị thành lập Tổ cộng đồng bảo vệ rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, với 45 thành viên.


Du lịch Rừng cóc trắng ở Bàu Cá cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) được “đánh thức”.

Tổ cộng đồng Bàu Cá Cái là tổ chức do cộng đồng dân cư thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận tự nguyện thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững cho thành viên thông qua các hoạt động nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn và tổ chức dịch vụ du lịch cộng đồng.

Với diện tích khoảng 110 ha, dưới tán rừng ngập mặn có nhiều loài động vật cá, tôm, cua… Vẻ đẹp thơ mộng, đậm màu thiên nhiên khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhìn từ trên cao, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái như một tấm thảm xanh lơ lửng giữa vòm trời.

Ông Nguyễn Hải ở xã Bình Thuận chia sẻ: Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái có tác dụng che chắn gió bão, cải thiện hệ sinh thái ven biển. Các loài chim cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Vào mùa thu, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng. Người dân ở đây bắt tay làm du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan, mang lại sinh kế bền vững.

Chị Thủy Tiên, du khách đến từ TP. Quảng Ngãi, bộc bạch: “Đến Bàu Cá Cái tôi như lạc vào chốn thần tiên. Ngồi trên thuyền thưởng ngoạn vẻ đẹp vùng sông nước; ở nơi đây tôi có thể soi được bóng mình dưới nước, thỉnh thoảng nhìn thấy đàn cá bơi lội”.

Du khách có thể chèo thuyền, câu cá dọc sông Thoa

Huyện Mộ Đức đã thành lập HTX Du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo, xã Đức Tân. HTX thu hút nhiều người dân địa phương đăng ký tham gia. Khung cảnh làng quê nơi đây khá êm đềm. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm không gian sống thanh bình với các sản phẩm du lịch nông nghiệp và sông nước.  Đến với xóm Cây Gạo, du khách được trải nghiệm dịch vụ homestay, thưởng thức những món ăn dân dã đậm chất văn hóa ở vựa lúa lớn nhất tỉnh. 


Lễ hội Ngày mùa được ở xã Đức Tân (Mộ Đức) với chủ đề “Tinh hoa lúa nước”:  Tái hiện cảnh làng quê xưa, tôn vinh nghề trồng lúa nước.

Theo định hướng của huyện Mộ Đức, phát triển du lịch cộng đồng sẽ dựa trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, không gian sinh sống ở làng quê xóm Cây Gạo; trong đó, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ là hạt nhân. Bên cạnh khu lưu niệm, về xóm Cây Gạo, du khách có thể chèo thuyền, hay câu cá dọc sông Thoa…

Ông Phạm Văn Thạnh ở xã Đức Tân chia sẻ: Thông qua phát triển du lịch, sản phẩm nông nghiệp làm ra sẽ mang lại hiệu quả kinh tế kép. Đó là vừa làm sản phẩm du lịch, vừa bán cho du khách, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Sắc màu bình yên ở làng du lịch cộng đồng Bình Thành

Bình Thành thuộc xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) là nơi muôn vẻ bình yên của làng quê bên dòng Phước Giang màu mỡ phù sa, với những cánh đồng lúa vàng ươm, những hàng cau thẳng tắp và những cánh cò lả lơi.


Làng du lịch cộng đồng Bình Thành – Sắc màu bình yên. Nơi bạn tìm thấy quê hương của chính mình.

Nói đến Bình Thành là nói đến miệt vườn trái cây xanh ngắt, nào là hương bưởi da xanh thơm ngát, nào là chôm chôm ngọt thanh, nào là sầu riêng béo ngậy thơm lừng, nào là chuối ngự và mít tố nam ngọt lịm phù sa, nào là quýt thanh thanh vị đầu lưỡi.

HTX NN – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành được thành lập từ tháng 3/2022, có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân trong thôn làm du lịch cộng đồng. Mô hình kinh tế này đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân địa phương cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế.

Vườn trái cây và mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Võ Văn Hoàng ở thôn Bình Thành (xã Hành Nhân) gần đây đón nhiều đoàn khách đến tham quan và thưởng thức đặc sản trái cây.

Ông  Võ Văn Hoàng cho biết, năm 2020, gia đình ông được địa phương tạo điều kiện vay vốn 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành để trồng cây ăn quả. Với diện tích hơn 01 ha của gia đình, ông trồng cam, quýt, bưởi, mít và mở rộng trồng dâu nuôi tằm.

“Mỗi đoàn khách đến tham quan ở vườn trái cây HTX NN – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành trả cho chủ vườn 500 ngàn đồng. Thu nhập từ cây ăn quả hàng năm của gia đình tôi khoảng 50 triệu đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm 100 triệu đồng. Từ ngày có du lịch cộng đồng thì đời sống người dân ở đây thay đổi rất nhiều, hình ảnh quê hương được nhiều người biết đến”, ông Hoàng nói.

Du lịch nông thôn mang lợi ích kép và bền vững

Hiện, thành phố Quảng Ngãi đăng ký phát triển 6 mô hình phát triển du lịch nông thôn gồm: Mô hình du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê; mô hình phát triển du lịch Làng hoa xã Nghĩa Hà; mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn rau an toàn xã Nghĩa Hà; mô hình du lịch cộng đồng xã Nghĩa Phú; mô hình du lịch cộng đồng bãi biển xã Nghĩa An và mô hình du lịch cộng đồng gắn với tham quan các khu di tích lịch sử.

Huyện Lý Sơn triển khai mô hình Một ngày làm nông dân đất đảo – Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn, phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay. Thị xã Đức Phổ với mô hình du lịch cộng đồng gắn đồng muối Sa Huỳnh và homestay. Huyện Nghĩa Hành tiếp tục phát triển mô hình du lịch miệt vườn trái cây tại thôn Bình Thành… Huyện Bình Sơn với mô hình du lịch cộng đồng Gành Yến, Bàu Cá Cái; rừng dừa nước Cà Ninh. Huyện Ba Tơ với mô hình trải nghiệm văn hóa của đồng bào Hrê tại Ba Tơ. Huyện Mộ Đức với mô hình du lịch cộng đồng xóm cây Gạo, thôn Dương Quang, thôn An Mô…

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với UBND thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi triển khai xây dựng sản phẩm mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với Di tích Văn hóa Sa Huỳnh và Đầm An Khê, Khu Chứng tích sơn Mỹ. Tham mưu Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi xác định, gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch nông thôn sẽ mang lợi ích kép và bền vững. Giúp các địa phương về đích NTM , NTM nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời thu hút cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, làm xanh – sạch – đẹp nông thôn. Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế. Đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay, mô hình du lịch miệt vườn,…

Hải Yến
Tạp chí điện tử Kinh tế nông thôn – kinhtenongthon.vn