1.Từ khi du lịch bắt đầu phát triển, doanh nghiệp lữ hành đã tiếp cận du lịch nông nghiệp – nông thôn một cách thụ động, thụ động vì chính khách hàng, nhất là du khách nước ngoài yêu cầu những sản phẩm mới lạ, như trải nghiệm làng bản, tát nước, cày bừa, cấy gặt, làm vườn, làm gốm, dệt chiếu, đan lát…
Du khách nhiều nước không những rất thú vị khi được tìm hiểu về nông thôn và cuộc sống thôn dã thường nhật, mà họ còn được “làm nông dân Việt Nam” ít nhất cũng một buổi trong ngày. Nhưng do không được đầu tư và khai thác đúng mức, sản phẩm độc đáo này lại manh mún, nhỏ lẻ, lúc có lúc không, cạnh tranh thiếu lành mạnh, bị pha trộn hay mờ nhạt trong các loại hình du lịch khác.
Loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn ở nước ta là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải… nhưng lại đang phát triển thiếu bền vững, sản phẩm sao chép, na ná nhau ở các vùng miền. Do đó, cẩn xây dựng chiến lược phát triển một cách tổng thể và toàn diện, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, ngoài vai trò của Chính phủ, bộ, ngành liên quan thì các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư phải cùng “chung tay”.
Chiến lược này cần xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển, giải pháp và nguồn lực thực hiện. Cũng rất cần Nhà nước ban hành các chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương trong việc đầu tư, xác định thế mạnh và điểm nhấn của từng địa phương để phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát triển và kết nối tour, tạo nên sự đa dạng sản phẩm.
Đặc biệt, phải phát huy khả năng của cộng đồng dân cư vì họ là những người nắm giữ các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương, trực tiếp tham gia vào du lịch nông nghiệp – nông thôn, như hướng dẫn du khách tham quan, giới thiệu sản phẩm để mang lại trải nghiệm chân thực nhất cho du khách. Doanh nghiệp lữ hành phải xem địa phương, cộng đồng dân cư là chủ thể tham gia xây dựng du lịch nông nghiệp – nông thôn, tức làm sao để các hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại, bà con nông dân cùng làm du lịch, từ đó không những tăng thu nhập mà còn tự hào giới thiệu những nét độc đáo của quê hương.
2.Trước khó khăn, thuận lợi và cơ hội của việc phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn, từ góc độ lữ hành, bà Phan Yến Ly – Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam trong Diễn đàn Phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Phát triển nông thôn (thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức vừa qua đã đề xuất đổi mới trong cách xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch này.
Đó là hiện nay Việt Nam đã có chương trình mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product – OCOP), là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, do đó hoàn toàn có thể phát động phong trào mỗi tỉnh, thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn đặc trưng, rồi phát triển sâu rộng hơn với mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn đặc trưng. Phong trào này sẽ giúp sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành, quận, huyện không bị trùng lắp, nhàm chán, tránh cạnh tranh không lành mạnh, sản phẩm giả, như tour câu cá trong ao thì cho cá ăn no trước khi đón khách, tour bắt cá thì thả vài ba con cá vào một đoạn mương, tour sinh thái thì đưa du khách đến một khu vườn xơ xác hoặc mới thiết lập, cây cối chưa kịp xanh lá để bán trái cây nơi khác mang đến…
OCOP là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn, ngược lại nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, lan tỏa giá trị về văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương và là thị trường để “xuất khẩu tại chỗ” sản phẩm nông lâm thủy sản.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bền vững, bao trùm gắn với xây dựng nông thôn mới, dựa trên lợi thế nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương, từ đó định vị thương hiệu điểm đến.
3.Với thế mạnh sẵn có về nông nghiệp và với sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Việt Nam hoàn toàn có thể có ít nhất 63 sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn đặc trưng của 63 tỉnh, thành. Trong đó, đồng bằng Bắc bộ – nơi phát triển lâu đời nhất của nền văn minh lúa nước, có thể tập trung khai thác các tour làng nghề, nghề trồng lúa nước, văn hóa làng quê, đời sống nông dân. Vùng trung du và miền núi Bắc bộ có thể tạo điểm nhấn với nông nghiệp vùng cao, như lúa nương, ruộng bậc thang, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người.
Duyên hải miền Trung đề cao đời sống ngư dân, diêm dân. Tây Nguyên định hướng phát triển các tour trang trại nông nghiệp công nghệ cao, trang trại cà phê, hoa lan. Đông Nam bộ vẫn còn khá nhiều nghề in đậm dấu ấn lưu dân mở đất lập nên làng xã, như làm bánh tráng, làm bún, làm lu, khạp, làm muối, dệt chiếu, đan ngư cụ. Nhiều hộ dân làm những nghề trên hiện vẫn duy trì lối sản xuất thủ công, là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, đặc biệt là sản xuất lúa sạch, nông nghiệp tuần hoàn. Tây Nam bộ nhờ thiên nhiên ưu đãi tạo nên những đặc điểm văn hóa miệt vườn vô cùng độc đáo…
Ngành du lịch TP.HCM đã có một giải pháp sáng tạo, đó là chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm huy động nguồn lực của các địa phương để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Dựa trên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa – xã hội rất đặc trưng, TP.HCM đã có riêng những chương trình du lịch nông nghiệp – nông thôn, như Thủ Đức – thành phố xanh bên sông Sài Gòn; khám phá đảo muối Thiềng Liềng với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, như không gian nghề muối, không gian hoài niệm, đờn ca tài tử, ẩm thực. Những sản phẩm du lịch ấy do chính cư dân đảo Thiềng Liềng thực hiện, được rất đông du khách tâm đắc.
Muốn xây dựng và phát triển được các tour du lịch nông nghiệp – nông thôn bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các sở ngành có liên quan, các nhà cung ứng dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành và chính những chủ thể là nông dân phải chủ động phối hợp, liên kết nghiên cứu thị trường, tìm khách hàng để có sản phẩm phù hợp; cùng quảng bá, đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chuyên nghiệp.
Chúng ta có quyền hy vọng rằng, sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn độc đáo sẽ mang lại trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch, phối hợp xây dựng nông thôn mới và cùng cộng đồng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Phương Hà
Doanh nhân Sài Gòn Online – doanhnhansaigon.vn