Đồng Tháp: Du lịch nông nghiệp gắn kết cộng đồng

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp quan tâm phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn và nhiều đạt kết quả khả quan. Hoạt động này không những đang phát huy hiệu quả thế mạnh nông nghiệp của địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần kết nối, gắn kết cộng đồng.

Các huyện, thành phố đang phát triển mạnh, hiệu quả loại hình này là: Sa Đéc, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lai Vung. Những điểm tham quan tại đây thu hút đông đảo khách du lịch ngoài tỉnh, đặc biệt là từ Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tuần hay những dịp lễ, Tết.

Khai thác du lịch gắn với thương hiệu Xoài  


Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp, hòa mình vào không gian thư thái của vườn xoài

Huyện Cao Lãnh có thế mạnh về xoài, tỉnh đang nỗ lực nâng tầm giá trị cây xoài bằng nhiều biện pháp, trong đó có khai thác du lịch gắn với thương hiệu trái cây đặc sản – Xoài Cao Lãnh.

Địa phương hiện có nhiều điểm tham quan du lịch thú vị gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, canh tác xoài nói riêng; The Mango Trail Farmstay là điểm tiêu biểu trong số đó. Trong 02 năm trở lại đây, Farmstay được nhiều du khách tìm đến thông qua những câu chuyện về nông nghiệp.


Hình ảnh làm nông hằng ngày được chủ Farmstay lan tỏa trên mạng xã hội

Những hình ảnh về đời sống làm nông chân phương, câu chuyện về xoài, về cá đều được chủ Farmstay chia sẻ hằng ngày trên các trang mạng xã hội. Đó là câu chuyện cây xoài tổ thuở đầu theo chân nhà nông đến lập làng, mưu sinh ở vùng đất này, qua bao thăng trầm đã lớn mạnh, trở thành ngành hàng chủ lực của huyện như hôm nay và những chuyện mỗi ngày chăm cây, nuôi cá, thu hoạch v.v..

Ẩm thực cũng là điều làm du khách ấn tượng khi tới nơi đây. Farmstay phục vụ những món ăn truyền thống của người Kinh và cũng là món ăn phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Canh chua, cá kho, gỏi tép sông, cá chiên xù v.v..

Các món ăn phản ánh nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Nam Bộ, không có gì bày vẻ, cao sang nhưng lại thỏa mãn, vương vấn trong lòng người con thành thị, bởi hương vị được trao truyền qua nhiều thế hệ và không khí bữa cơm đầm ấm thôn quê.

Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP

Thành phố Sa Đéc cũng là một địa phương có loại hình du lịch nông nghiệp phát triển mạnh. Thành phố hiện có 13 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, làng nghề, trong đó, có 04 điểm được công nhận OCOP 3, 4 sao theo bộ tiêu chí du lịch nông thôn.

Là điểm du lịch đạt chuẩn OCOP 3 sao của thành phố, mỗi tháng, Vườn kiểng Ngọc Lan thu hút khoảng 1.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến đây, du khách có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố từ trên đài ngắm hoa cao 18 m, cảm nhận hơi thở của làng hoa trăm tuổi; tham gia trồng hoa kiểng trên giàn và giao lưu với người dân địa phương; chụp hình với hàng trăm loại hoa, kiểng khác nhau hoặc mua về làm quà.


Một góc Làng hoa hiện lên xanh ngát, yên bình khi nhìn từ Vườn kiểng Ngọc Lan

Ông Trần Hữu Tài – Chủ Điểm tham quan Vườn kiểng Ngọc Lan cho biết, kể từ khi được công nhận OCOP 3 sao, vườn kiểng được nhiều du khách biết đến, tin tưởng lựa chọn, việc quảng bá hình ảnh địa phương cũng hiệu quả hơn.

Với ông, môi trường là tiêu chí khó đạt và giữ vững trong quá trình xét chứng nhận OCOP, bởi ngoài cảnh quan sạch đẹp, hạn chế rác thải nhựa thì trong sản xuất hoa kiểng phải sản xuất theo hướng hữu cơ để sản phẩm sạch. Tuy khó nhưng ông không ngừng nỗ lực, đảm bảo tiêu chí này để du khách có thể an tâm về chất lượng môi trường, cũng như chất lượng sản phẩm du lịch.

Du lịch nông nghiệp đô thị kết nối những người yêu thích sự mới mẻ

Nếu những địa phương khác trong tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp truyền thống thì thành phố Cao Lãnh lại nổi bật về nông nghiệp đô thị. Nơi đây cũng hình thành nhiều mô hình du lịch nông nghiệp để phát huy ưu thế này. Điển hình như Vườn nho Phước Điền, nơi bạn có thể cảm nhận chân thực về nông nghiệp hiện đại, tiên tiến.

Với 03 ha trồng các giống nho có xuất xứ trong và ngoài nước, nơi đây được bao bọc bởi hệ thống nhà kính, trang bị hệ thống tưới thông minh và canh tác theo hướng hữu cơ.

Du khách đến đây có thể trải nghiệm các hoạt động như: Tham quan trang trại nho công nghệ cao, tự tay thu hái những chùm quả căng mọng hay chụp hình với những giàn nho tươi tốt.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ huyện Cao Lãnh) bày tỏ, đây là lần đầu tiên chị được đến tham quan vườn nho đẹp và xanh mát như thế này, mục đích đến là để cho con nhỏ trải nghiệm, học hỏi thêm về bên ngoài. Điều chị ấn tượng nhất là vườn hoàn toàn khép kín, có thể trải nghiệm tự do mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Hơn thế nữa, nho được sản xuất theo hướng hữu cơ nên chất lượng nho ngon, ngọt, rất an tâm.


Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc có những trải nghiệm đáng nhớ cùng con nhỏ tại vườn nho

Đồng Tháp là tỉnh có nền nông nghiệp trù phú, cùng với đó là tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, từ những di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực cho đến nghề truyền thống. Đến 30/6, toàn tỉnh đã phát triển được 72 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận 11 điểm du lịch đạt tiêu chuẩn là Điểm du lịch theo tiêu chuẩn của Luật Du lịch; có 53 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng được cấp phép đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, có 07 điểm du lịch nông nghiệp đã được chứng nhận OCOP nhóm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp trên địa bàn hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị cho nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Du lịch theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp và làng nghề tại Đồng Tháp tuy hình thành và phát triển sau một số tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng dần khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch của khu vực. Cụ thể, trong năm 2023, du lịch Đồng Tháp đứng ở vị trí top 04 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 04 triệu lượt khách và doanh thu đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Riêng 06 tháng đầu năm 2024, tỉnh đón trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng. 

Đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu ngành du lịch đóng góp từ 5% – 6% trong cơ cấu GRDP, thu hút trên 05 triệu lượt khách. Tỉnh đang và sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp bằng nhiều biện pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách v.v.

Cẩm Tiên
Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp – dongthap.gov.vn