Những năm gần đây, ngành hàng hoa, kiểng của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, từng bước tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, tăng về số lượng và chất lượng, có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận cho người trồng hoa, kiểng.
Hoa kiểng được nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô
Từng bước tạo ra những sản phẩm giá trị
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành hàng hoa kiểng vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Đó là diện tích sản xuất hoa kiểng thiếu vùng tập trung quy mô lớn hướng đến tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu; công tác giống và quy trình canh tác còn hạn chế nhất định; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển về giống, quy trình thương mại hóa mang tính cạnh tranh còn hạn chế…
Để ngành hàng hoa kiểng ở tỉnh Đồng Tháp phát triển theo hướng bền vững, tại hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng hoa, kiểng tại tỉnh Đồng Tháp” (tổ chức ngày 30/5/2024), các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao ngành hàng hoa kiểng như: các giải pháp về công nghệ, chính sách, quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ…
Nông dân chăm sóc hoa kiểng
TS. Lê Uyển Thanh – Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, những vấn đề tồn tại của ngành hoa, kiểng từ lâu đã được chỉ ra như: sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không cân đối dẫn đến ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, acid hóa đất, gây ra hiện tượng kháng thuốc của sâu và mầm bệnh, các sinh vật có ích (thiên địch) bị tiêu diệt. Ngoài ra, nguồn giống cũng là một thách thức đối với ngành hoa, kiểng.
Theo TS. Lê Uyển Thanh, việc áp dụng các tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất là giải pháp giúp nông dân tối ưu hóa năng suất và giảm tổn thất, đồng thời cải thiện chất lượng hoa. Những tiến bộ này bao gồm việc phát triển các kỹ thuật nhân giống mới; sử dụng cảm biến và hệ thống giám sát từ xa; công nghệ nhà kính thông minh, công nghệ sau thu hoạch, robotics, công nghệ hình ảnh, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và vẽ bản đồ bằng máy bay không người lái (drone mapping)…
Với việc áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, hiện nay người nông dân đã có thể trồng hoa quanh năm
Bảo tồn và phát triển làng nghề hoa kiểng
ThS. Hoàng Thị Ánh Nguyệt – Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, vấn đề quan trọng để ngành hàng hoa, kiểng phát triển bền vững là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư vào quảng cáo và tiếp thị; đào tạo và phát triển nhân lực; kết nối với thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các địa phương thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Nhân tố quyết định cho sự thành bại trong công tác tổ chức lại sản xuất chính là Nhà nước.
Tổ chức các hoạt động vinh danh nghệ nhân làng nghề, thực hiện kết nối làng nghề hoa kiểng cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành hàng hoa, kiểng phát triển bền vững. ThS. Lê Minh Sơn – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho rằng, ngoài các yếu tố sản xuất, để phát triển ổn định ngành hàng hoa, kiểng cần tổ chức thêm các hoạt động kết nối văn hóa để khuyến khích, động viên người trồng hoa như: hoạt động công nhận, vinh danh đối với nghệ nhân làng nghề hoa kiểng; tổ chức các lễ hội truyền thống làng nghề, thực hiện kết nối làng nghề hoa kiểng với hệ thống di sản đã được công nhận phục vụ phát triển du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề hoa kiểng….
Làng hoa Sa Đéc hiện là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa
Bà Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đối với ngành hoa kiểng, địa phương tiếp cận nhiều thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, định hướng phát triển các mặt hàng hoa kiểng tiềm năng. Địa phương cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề; tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh hoa kiểng Sa Đéc; phối hợp với các đơn vị liên quan chuyên tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh hoa, kiểng Sa Đéc đến nông dân.
Ngoài ra, công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm thực hiện, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn; nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra. Qua đó, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, đã có hơn 3 triệu lượt khách tham quan, du lịch (trong đó có gần 170 ngàn lượt khách nước ngoài).
MN
Báo Đồng Tháp Online – baodongthap.vn