Du khách trải nghiệm hoạt động dỡ chà bắt cá trên sông Tiền
Đồng Tháp đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiềm năng, thế mạnh đặc trưng từng địa phương gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề; tăng cường sự tham gia của các nông hộ vào hoạt động du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề; phát huy vai trò của các doanh nghiệp lữ hành, các hợp tác xã, hội quán trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết nối xây dựng tour tuyến, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua hoạt động du lịch, đồng thời gia tăng chuỗi giá trị nông sản.
Tỉnh cũng phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn đưa vào quy hoạch mạng lưới phát triển du lịch tỉnh. Đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn Sen”; đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, giá trị ngành du lịch đóng góp từ 5 – 6% trong tổng giá trị GRDP của tỉnh; thu hút khoảng 5 triệu lượt khách, tăng bình quân 11,11%/năm; tổng thu du lịch đạt 2.100 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm; thu nhập của hộ dân làm du lịch nông nghiệp gấp 1,5 lần thu nhập của hộ dân làm nông nghiệp thuần; xây dựng ít nhất 3 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng; giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động; 100% lao động trực tiếp được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch…
TN
Báo Đồng Tháp Online – baodongthap.vn