Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung nghe đại diện Cơ sở sản xuất nấm mèo Trường Giang (ở xã Suối Nho, huyện Định Quán) chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng trong quá trình triển khai Chương trình OCOP. Ảnh: H.Quân |
Theo Ban Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi là Ban Vận động 264) huyện Định Quán, tính đến cuối năm 2024, huyện có 23 sản phẩm OCOP (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao).
Đa dạng nhiều hoạt động
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán Trần Quang Thuần cho biết, trong thời gian qua, huyện Định Quán luôn chú trọng công tác phát triển các sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tìm kiếm, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, Ban Vận động 264 huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền các nội dung của Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân đề xuất ý tưởng, đăng ký sản phẩm tham gia phân hạng, chủ động đề xuất sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP hàng năm.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong huyện ngày càng quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm, gắn thương hiệu với chất lượng sản phẩm để từ đó tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của huyện.
Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa) Đặng Tường Khanh cho biết, sản phẩm bột ca cao của công ty đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đang hướng tới phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP của công ty. Hiện nay, công ty chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư về công nghệ, phát triển kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
Chủ cơ sở sản xuất nấm mèo Trường Giang (ở xã Suối Nho, huyện Định Quán) Nguyễn Thanh Giang chia sẻ, sản phẩm nấm mèo của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP vào năm 2023. Việc đạt chuẩn OCOP giúp cơ sở có điều kiện, cơ hội để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Sản phẩm của cơ sở được các sở, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ, kết nối hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm nấm mèo OCOP của cơ sở đến với người tiêu dùng.
“Tôi mong nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ của địa phương, các đơn vị liên quan về đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Từ đó, tạo điều kiện để có thể mở rộng thương hiệu, cũng như tiếp cận được nguồn vốn vay để mở được nhà xưởng, nhà kho, thuê nhân công và nhập máy móc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm nấm mèo đạt chuẩn OCOP” – anh Giang bày tỏ.
Thời gian qua, huyện Định Quán đã thực hiện triển khai hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện; phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch cộng đồng…
Tăng cường các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán Trần Quang Thuần cho biết thêm, trong thời gian tới, Ban Vận động 264 huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Chương trình OCOP, hướng dẫn cộng đồng dân cư đề xuất ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia phân hạng, chủ động đề xuất sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu các mô hình, cách làm hay của các tổ chức kinh tế, đơn vị sản xuất tham gia Chương trình OCOP.
Huyện sẽ vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tăng cường các hoạt động quảng bá dưới nhiều hình thức để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, website riêng, tờ rơi… trong việc giới thiệu sản phẩm và dịch vụ bán hàng.
Anh Nguyễn Thanh Giang bày tỏ, khó khăn nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nếu đầu ra ổn định và đặc biệt là đầu ra sản phẩm nấm đạt chuẩn OCOP tốt hơn thì sẽ giúp cơ sở rất nhiều trong việc nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh Vũ Đình Trung chia sẻ, Ban Vận động 264 huyện Định Quán cần tìm phương án tháo gỡ những khó khăn của các chủ thể OCOP liên quan về vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư công nghệ, mở rộng dây chuyền sản xuất, xây dựng kho lưu trữ…
Song song đó, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; mở rộng các kênh phân phối, thúc đẩy các kênh thương mại điện tử…
Hải Quân – Đan Nhi
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn