Tỉnh cũng không thiếu những làng nghề nổi tiếng lâu đời và cả những làng nghề mới hình thành sau này. Mỗi làng nghề đều có nét đặc sắc, độc đáo, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm và văn hóa. Đây là những thế mạnh các địa phương đang tập trung khai thác gắn với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
* Nâng tầm sản phẩm OCOP
Đồng Nai phát triển mạnh cả về chăn nuôi, trồng trọt nên rất đa dạng về sản phẩm chế biến. Trong đó, nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề lâu đời như: Làng nghề truyền thống làm chả giò, chà bông được tiếp nối qua nhiều thế hệ ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất); làng làm bánh chưng ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa); làng làm chuối sấy, chuối dẻo ở Thống Nhất, Xuân Lộc…
Đồng Nai thuộc tốp đầu trong cả nước về diện tích trồng chuối. Tại các vùng chuyên canh trồng chuối lớn của tỉnh như: H.Thống Nhất, H.Xuân Lộc phát triển nghề chế biến chuối chiên, chuối sấy… với hàng chục lò sản xuất tạo ra những món đặc sản truyền thống chế biến từ chuối nổi tiếng lâu năm của đất Đồng Nai.
Ấp Bến Nôm (H.Định Quán) là bến cá đánh bắt và tập trung nhiều hộ, cơ sở làm khô cá kìm và các loại khô khác từ nguồn cá đánh bắt, nuôi trồng trên hồ Trị An. Đây là nghề truyền thống đã tồn tại hàng chục năm qua tại địa phương. Trong đó, sản phẩm khô cá kìm thu hút nhiều hộ chế biến và là đặc sản ngon nổi tiếng của hồ Trị An. Sản phẩm này của Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường (xã Phú Cường, H.Định Quán) đã được chứng nhận OCOP cũng trở thành đặc sản thu hút du khách về vùng đất này.
Đồng Nai hiện có 167 sản phẩm OCOP, trong đó có hàng chục đặc sản từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được chứng nhận OCOP.
Làm giò, chả là nghề truyền thống, được tiếp nối qua nhiều thế hệ ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Hiện địa phương này có hàng chục cơ sở chế biến giò, chả, làm các sản phẩm chà bông heo, chà bông gà và các món chế biến từ thịt. Đặc biệt, làng nghề giò lụa Gia Kiệm nổi tiếng chất lượng ngon, sản phẩm cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Các sản phẩm địa phương tham gia chương trình OCOP được chú trọng nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã, bao bì. Điều này không chỉ giúp các đặc sản địa phương tăng độ nhận diện với người tiêu dùng mà còn trở thành đặc sản thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thùy, chủ Cơ sở Chế biến rau củ quả Cường Hoa (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) cho biết, nghề làm chuối chiên, chuối sấy dẻo hình thành lâu năm tại địa phương. Trước đây, cơ sở của gia đình cũng như đa số các lò chuối sấy đều sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ không quá quan tâm đầu tư cho nhãn hàng, thương hiệu. Với mong muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng kênh tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, năm 2020, cơ sở tham gia chương tình OCOP và có 2 sản phẩm là chuối chiên giòn và chuối sấy dẻo đạt chứng nhận. Nhờ chú trọng đầu tư cho mẫu mã, bao bì, mở rộng quy mô xưởng sản xuất, cơ sở đang có một số đối tác hợp tác xuất khẩu sản phẩm chuối sấy dẻo đi Hàn Quốc và những thị trường khó tính khác.
* Kết nối du lịch với làng nghề
Không chỉ giàu về sản vật, nông sản, Đồng Nai còn là điểm đến hấp dẫn vì vùng đất này không thiếu những làng nghề đang trở thành điểm hẹn hấp dẫn với du khách gần xa như: làng nghề đá Bửu Long, gốm Tân Vạn (TP.Biên Hòa), gỗ mỹ nghệ (H.Trảng Bom, H.Xuân Lộc); làng trồng nấm (TP.Long Khánh); làng trầm hương (H.Tân Phú)…
Làng nghề trầm hương (H.Tân Phú) tuy có tuổi đời chỉ khoảng 20 năm nhưng được đánh giá là làng nghề lớn nhất cả nước. Với hàng trăm cơ sở sản xuất trầm hương tại các xã Phú Trung, Phú Sơn, làng nghề này đang cung cấp các sản phẩm liên quan đến trầm như: cây giống, thuốc tạo trầm, trầm thô, tinh dầu, nước cất… Trong đó phải kể đến sản phẩm tinh dầu trầm hương đạt chuẩn OCOP 4 sao được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là điểm kết nối thú vị với du khách khi về huyện vùng núi Tân Phú của Đồng Nai.
Lâu đời hơn có các làng gỗ mỹ nghệ H.Trảng Bom nổi tiếng về đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu như các mô hình về: thuyền buồm, máy bay, ô tô, xích lô… Sự độc đáo của các sản phẩm trên là nguyên liệu sản xuất được tận dụng từ gỗ vụn phế thải. Làng gỗ mỹ nghệ tại H.Xuân Lộc lại có thế mạnh về dòng sản phẩm gỗ điêu khắc từ rễ và gốc cây. Ngoài dòng sản phẩm gia dụng thì các nghệ nhân ở làng nghề này còn tạo ra rất nhiều sản phẩm như: tượng, tranh, linh vật…
Không chỉ chú trọng sản xuất, một số cơ sở làm gỗ mỹ nghệ tại H.Trảng Bom, H.Xuân Lộc đã quan tâm đến việc quảng bá, trưng bày sản phẩm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thành sản phẩm du lịch thu hút du khách gần xa. Thậm chí, có cơ sở xây dựng phòng trưng bày sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để phục vụ khách hàng. Đây cũng là điểm hẹn du khách đến tham quan quy trình chế tác sản phẩm và mua làm quà lưu niệm.
Bà Vũ Thanh Hương (TP.Hồ Chí Minh) chuyên kinh doanh các sản phẩm đồ lưu niệm, mỹ nghệ tại các khu du lịch chia sẻ, hệ thống cửa hàng lưu niệm của bà thường nhập một số mặt hàng gỗ mỹ nghệ từ các cơ sở ở Đồng Nai để bán cho du khách. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đồng Nai được khách du lịch đánh giá cao về chất lượng và độ thẩm mỹ, nhất là những du khách nước ngoài thường mua về làm kỷ niệm khi tới Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đồng Nai Trần Thị Thu Trang cho biết, tỉnh quan tâm đến mô hình phát triển làng nghề gắn với du lịch. Trước mắt, trung tâm sẽ phối hợp cùng với các sở, ngành, các đơn vị, cơ sở kinh doanh liên quan hình thành và đưa các làng nghề kết hợp với các điểm du lịch đi vào họat động. Để thuận lợi hơn trong việc hình thành các tour du lịch, ngành Du lịch đã chọn ra các làng nghề như: gốm, gỗ mỹ nghệ, dệt thổ cẩm… Trên cơ sở này, về lâu dài giữa các ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp để xây dựng quy hoạch cho làng nghề có tính chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Bình Nguyên
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn