Đây là hoạt động trong hành trình sắp xếp, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch mà Sở VHTTDL và đơn vị tư vấn đang nỗ lực để cho ra những sản phẩm mới. Hướng đến mục tiêu năm 2025, du lịch Đồng Nai tăng tốc, cất cánh cùng hàng không.
* Hành trình “săn” những giá trị sẵn có
Với phương châm xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn dựa trên những lợi thế sẵn có của người nông dân và xem du lịch là sinh kế cộng thêm cho nông dân, đội ngũ khảo sát đã bắt đầu hành trình đi “săn” và tìm những giá trị vừa sẵn có, vừa độc đáo, đủ sức hút để tạo ra “chất liệu” làm nên những sản phẩm du lịch có bản sắc riêng của từng địa phương.
Làng bưởi Tân Triều là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai với đặc sản trái bưởi đường lá cam đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Nằm trên địa bàn xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu), làng bưởi Tân Triều giáp ranh với TP.Biên Hòa và cận kề với TP.HCM, tỉnh Bình Dương nên từ nhiều năm nay, nơi đây trở thành điểm hẹn cuối tuần của nhiều gia đình, nhóm bạn bè từ các khu vực lân cận để thưởng thức các món ăn được chế biến từ bưởi và trải nghiệm không gian xanh của vùng quê yên bình sau những ngày làm việc căng thẳng.
Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 của tỉnh xác định mục tiêu tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua phát triển dịch vụ du lịch; hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn… |
Thoạt nhìn, làng bưởi Tân Triều tưởng chừng như đã trở thành điểm du lịch lý tưởng, thế nhưng, dưới con mắt của những chuyên gia, nhà khoa học, làng bưởi vẫn còn những tiềm năng độc đáo mà không nơi nào có được. PGS-TS Nguyễn Thị Nga, Viện trưởng Viện Bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng tại TP.HCM, thành viên nhóm khảo sát, tư vấn sản phẩm du lịch cho Đồng Nai của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, sau một ngày trải nghiệm tại làng bưởi Tân Triều, bà rất tâm đắc khi khám phá ra những giá trị từ làng bưởi. Trong đó, những câu chuyện xung quanh con người, nét văn hóa, đặc trưng thổ nhưỡng cũng như nguồn gốc xuất xứ từ cây bưởi có thể tạo nên sức bật cho du lịch làng bưởi qua không gian văn hóa bưởi độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Ngược dòng về hướng thượng nguồn sông Đồng Nai đến các huyện vùng cao như: Định Quán, Tân Phú, hành trình “săn” những giá trị sẵn có để tìm “chất liệu” xây dựng câu chuyện về du lịch địa phương đang dần được mở ra. Những giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc, giá trị lịch sử cách mạng, di sản… đã tạo nên nguồn cảm hứng cho các nhà kiến tạo sản phẩm du lịch. Điều mà lâu nay nhiều địa phương đang loay hoay tìm các nguồn lực để “giải nén” cho những giá trị sẵn có được phát huy.
Ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết, qua tiếp xúc và làm việc với đoàn khảo sát, lắng nghe những gợi ý, tư vấn từ các chuyên gia, nhà khoa học của đơn vị tư vấn đã giúp cho Tân Phú định hình được hướng đi cho du lịch địa phương. Đặc biệt là câu chuyện vượt ngục Tà Lài của những chiến sĩ cách mạng năm xưa gắn với những di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc khu vực lân cận và tâm điểm hút khách cuối cùng chính là những lợi thế từ rừng mà các chuyên gia phân tích như giải mã được chuỗi giá trị tiềm năng bấy lâu nay địa phương ấp ủ muốn khai thác.
* Cú hích cho du lịch Đồng Nai tăng tốc, cất cánh
Đồng Nai có nhiều tiềm năng khai thác du lịch. Lợi thế đầu tiên phải kể đến tiềm năng về rừng, thác, hồ. Để phát huy hết những giá trị trên, nhiều dự án ngàn tỷ đồng đã được quy hoạch và đang mời gọi đầu tư, như: dự án Khu nuôi thú bán hoang dã (Safari), Khu du lịch hồ Bà Hào tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai; dự án Khu phức hợp, nghỉ dưỡng núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)… Tuy nhiên, những dự án trên cần có thời gian chuẩn bị khá dài hơi.
Bên cạnh những giá trị thiên nhiên ban tặng, Đồng Nai còn nhiều lợi thế khác được tạo ra từ chính con người, quê hương Đồng Nai như: thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, sức sống từ các làng nghề, những giá trị văn hóa, lịch sử có thể xây dựng thành những câu chuyện mang đậm bản sắc địa phương có thể gây thương nhớ.
Hiện nay, khi đi qua các vùng nông thôn của Đồng Nai, điểm nổi bật mà bất cứ du khách nào khi đến Đồng Nai đều phải trầm trồ là hệ thống giao thông từ nông thôn đến thành thị khá chỉn chu. Đời sống của người dân đã được nâng lên một mức cao hơn. Và quan trọng hơn là những người nông dân, chủ thể của các chuỗi giá trị trong cộng đồng, đã sẵn có sự hăng say làm du lịch, muốn du lịch là một phần sinh kế cộng thêm, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử địa phương, biến quê hương trở thành nơi đáng sống.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan kỳ vọng, trong thời gian không xa, khi các sản phẩm du lịch nông nghiệp ra đời, Đồng Nai sẽ nổi bật trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Theo Giám đốc Sở VH-TTDL, Đồng Nai đang tăng tốc xây dựng những sản phẩm du lịch nhằm tạo ra những chuỗi giá trị chung cho cộng đồng. Bà Loan chia sẻ: “Trong quá trình khảo sát, chúng tôi luôn hướng đến các sản phẩm phải phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch. Các sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn phải do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi. Thông qua hướng dẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, các chuyên gia, đơn vị tư vấn, người nông dân có thể làm chủ được điểm đến của mình. Đồng Nai đang tăng tốc phát triển du lịch nông thôn gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp, môi trường sinh thái”.
Ngọc Liên
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn