Ông Lý Tiến Thành chế biến món bánh coóc
Bánh coóc mới nghe sẽ dễ nhầm với món bánh cóoc mò của người Tày, Nùng Lạng Sơn. Hình dạng của món bánh cóoc cũng khá giống với món sủi cảo của Trung Quốc. Thế nhưng, sự hòa trộn giữa những hương vị ẩm thực ấy đã cho ra đời món bánh coóc thơm ngon, khác biệt.
Để tìm hiểu về món bánh độc đáo này, chúng tôi có dịp ghé thăm quán bánh coóc ở đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh, ông Lý Tiến Thành, người đã có kinh nghiệm 30 năm làm bánh coóc chia sẻ: Do có nguồn gốc từ Trung Hoa nên nguyên liệu và hình dáng của bánh gần giống với món sủi cảo. Nhưng để phù hợp với khẩu vị của người dân Xứ Lạng, phần vỏ bánh đã được thay thế từ bột mì bằng bột gạo bao thai truyền thống. Bánh coóc thường được làm và bán quanh năm, trung bình mỗi ngày gia đình tôi chỉ làm được khoảng 2 khay vì bánh này làm rất khó và kỳ công.
Theo đó, để làm món bánh này phải trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ. Trong đó, người làm phải chọn gạo bao thai ngon, nếu chọn gạo giống lai thì bánh bị bở, không dẻo mềm được, các nguyên liệu cho phần nhân bánh cũng phải thật tươi mới thì khi ăn bánh mới ngon. Gạo bao thai sau khi ngâm nước qua một đêm sẽ được xay thành bột nước, sau đó chắt nước trong, giữ lại phần đặc của bột để làm vỏ bánh. Khác với cách làm bánh truyền thống khác, vỏ bánh coóc sẽ được xào trên bếp, cho thêm chút mỡ lợn để vỏ bánh không dính và tạo vị thơm rồi đảo qua đảo lại, đến khi nào bột khô lại, không còn dính nữa là đạt yêu cầu.
Sau khi đảo xong vỏ bánh coóc, người làm tiếp tục nhào nặn bột cho thật nhuyễn. Theo ông Thành, bột bánh càng được nhào nặn kỹ thì bánh khi chín ăn sẽ càng mềm và dẻo. Tiếp đến, bột bánh được cho vào máy nặn thành những miếng dẹt, mỏng vừa phải và nhồi nhân vào trong bánh, tạo thành nhiều góc cho hình dáng bánh đẹp mắt.
Một phần quan trọng tạo nên sự thơm ngon của món bánh coóc là nhân bánh. Theo đó, nhân bánh là sự hòa quyện giữa nhiều nguyên liệu như: Thịt lợn vai, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, su hào băm nhỏ. Các nguyên liệu trên sau khi nêm nếm gia vị vừa đủ sẽ được mang lên bếp xào chín cho đến khi nào dậy mùi thơm rồi cho vào nhân bánh. Cuối cùng, bánh coóc được cho vào nồi hấp khoảng 40 phút là chín. Điều đặc biệt, khi ăn bánh coóc, người ta sẽ chan thêm nước dấm chua ngọt, rắc chút lạc rang, măng ớt và ăn kèm với các loại rau thơm, tất cả đã tạo nên một món ăn vặt dân dã, thu hút nhiều thực khách. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, bên cạnh cao sằng, bánh rợm thì bánh coóc là một loại bánh được nhiều người yêu thích, đặc biệt, bánh chỉ được bán từ buổi trưa và bánh thường hết hàng rất sớm. Những quán bán bánh coóc thường đông khách nhất vào giờ tan tầm, chỉ cần từ 10.000 đến 15.000 đồng là đã có một bát bánh coóc ngon, thơm dẻo.
Bánh coóc thành phẩm
Anh Trần Việt Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Hầu như hôm nào sau khi chơi thể thao xong, tôi cũng ghé quán ông Thành để thưởng thức món bánh coóc, món ăn này rất hợp khẩu vị với tôi, vị ngon của thịt mộc nhĩ hòa quyện cùng vỏ bánh dẻo mềm khiến tôi ăn mãi mà không chán. Một suất có khoảng 6 đến 7 chiếc bánh không quá no, khi ăn xong tối về vẫn ăn được cơm như bình thường.
Không chỉ người dân Xứ Lạng, du khách gần xa khi ghé thăm Lạng Sơn cũng rất thích món bánh này. Chị Ngô Phương Hà, phường Nhân Chính, quân Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: Đầu năm 2024, tôi và gia đình có dịp lên Lạng Sơn du xuân và được thưởng thức món bánh coóc ở đây. Tôi thấy món bánh này rất ngon, vỏ bánh khi ăn rất dẻo và mềm. Bánh mềm, mịn, thêm vị béo ngậy của lạc rang, nước giấm đường không quá chua cũng chẳng ngọt, ăn kèm rau thơm, rau sà lách rất đưa miệng, ăn một lần là nhớ mãi.
Những chiếc bánh coóc trắng trong màu của gạo, kết hợp vị ngọt thơm, đậm đà của nhân bánh là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu tạo nên một món bánh độc đáo, mang hương vị riêng có thu hút nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần quảng bá ẩm thực Xứ Lạng, tạo nên những ấn tượng khó quên với du khách.
Hiếu Lam
Báo Lạng Sơn – baolangson.vn