Để du lịch nông nghiệp phát triển, ngoài tạo điểm nhấn khác biệt trong từng mô hình, nông dân cũng cần được tập huấn, hỗ trợ, khai thác giá trị văn hóa bản địa.
Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là những loại hình đang phát triển mạnh ở nông thôn vùng ĐBSCL. Những vườn cây trái, vuông tôm, rừng tràm hay nhà bè nuôi cá… trở thành điểm hẹn cho du khách, nhất là khách ngoại quốc.
Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 10km, người dân sinh sống trên Cồn Sơn, quận Bình Thủy khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, liên kết làm du lịch cộng đồng. Qua khảo sát nhu cầu và khả năng xây dựng mô hình, 9 nhà vườn có cùng “bắt tay” phát triển dịch vụ du lịch.
Nhà vườn được tư vấn, thiết kế, tập huấn kỹ thuật, vừa chăm sóc phát triển vườn, vừa đảm bảo cây cho trái quanh năm để đa dạng sản phẩm phục vụ du khách. Bên cạnh đó, Hội nông dân TP Cần Thơ đã hỗ trợ con giống thủy sản để người dân thả nuôi trong mương vườn, tăng thu nhập và làm phong phú thêm mô hình. Nhờ đó, hiện số hộ tham gia làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn đã tăng lên 25 hộ.
Trung bình mỗi ngày, Cồn Sơn đón khoảng 250 du khách, đi kèm phát triển du lịch, các dịch vụ khác như vận chuyển, ẩm thực, hướng dẫn khách tham quan cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Mô hình phát triển du lịch trên chợ nổi Cái Răng cũng tạo thành nét văn hóa độc đáo của miền Tây nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Nơi đây thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm.
Thống kê của Hội Nông dân TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 75 hộ dân phát triển du lịch sinh thái vườn, trên 35 khu, điểm du lịch và 2 điểm du lịch cộng đồng, tập trung tại huyện Phong Điền, quận Cái Răng, Bình Thủy và Ô môn. Với 3 loại hình du lịch nông nghiệp chính dành cho khách tham quan trong ngày, lưu trú và khu nghỉ dưỡng nhỏ.
Tuy nhiên, cái khó khi phát triển du lịch nông nghiệp ở TP Cần Thơ là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Một số điểm tham quan phải di chuyển bằng phương tiện tàu thuyền hoặc xe máy. Hơn nữa, nhiều điểm vườn có cách làm tương tự nhau, chưa tạo được điểm nhận chuyên biệt riêng. Nhất là, nhu cầu mở rộng không gian phát triển du lịch của người dân không cao.
Công ty TNHH Mekong Delta Co.op – một đơn vị lữ hành còn non trẻ, chọn thế mạnh nông nghiệp, sinh thái vốn có của vùng để xây dựng các tuyến du lịch dành riêng cho khách quốc tế. Chị Cao Thiên Lý, Giám đốc kinh doanh Mekong Delta Co.op cho biết, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của ĐBSCL rất lớn, hàng tháng đơn vị tổ chức đón từ 180 – 200 khách quốc tế về với ĐBSCL.
“Khách quốc tế tìm được những điều mộc mạc, đơn giản, gần gũi, khi về với đồng bằng. Đặc biệt là họ được tương tác với người dân địa phương, thích thú trước những món ăn, câu chuyện về đời sống của bà con”, chị Lý bày tỏ.
Để du lịch nông nghiệp ĐBSCL phát triển bài bản hơn, chị Lý cho rằng, cần tập huấn, hỗ trợ nông dân để có sự thống nhất thời gian và cách thức đón khách một cách thường xuyên, nếu không sẽ trở thành điểm hạn chế cho ngành. Người dân không cần quá chuyên nghiệp, quan trọng là sự vui vẻ, niềm nở, nhiệt tình, không khuôn mẫu. Đó là những mong đơi của Mekong Delta Co.op phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới.
Theo Báo Nông nghiệp