Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025

TITC – Ngày 08/02/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND nhằm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025.

Theo đó, mục đích của chương trình là tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 03 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương.

 

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Bảo đảm an ninh du lịch, an toàn cho khách du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

 

Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục đích đề ra, UBND tỉnh Lào Cai đã đề ra 05 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện như sau: (1) Xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. (2) Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. (3) Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. (4) Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. (5) Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Trong đó có 06 nhiệm vụ cụ thể như: (1) Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 03 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh. (2) 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. (3) Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. (4) Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. (5) Phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương. (6) Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Đồng thời, UBND tỉnh Lào Cai cũng giao cho Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới và các sở ngành, địa phương liên quan tiến hành xây dựng 07 mô hình phát triển du lịch nông thôn thí điểm tại các địa phương: (1) Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát. (2) Mô hình phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố huyện Bắc Hà. (3) Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên. (4) Mô hình Phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà. (5) Mô hình phát triển không gian du lịch cộng đồng đội 4 – thôn Sả Xéng – xã Tả Phìn. (6) Phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Xa Phó tại thôn Nậm Rịa xã Hợp Thành. (7) Mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái xã Liêm Phú.

 

Trung tâm Thông tin du lịch