Cao Lộc – Lạng Sơn: Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Để phân hạng sản phẩm OCOP nhanh gọn, chính xác, UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đánh giá.

Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện rà soát, đẩy hồ sơ minh chứng sản phẩm lên hệ thống

Thực hiện quy định mới tại Quyết định số 148 ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), việc tổ chức, đánh giá phân hạng và cấp giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP 3 sao được phân cấp cho cấp huyện thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện cho biết: Trong quá trình thực hiện cho thấy, việc đánh giá, phân hạng theo phương thức thủ công có nhiều hạn chế. Cụ thể, hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu nhiều chứng chỉ, quy trình sản xuất khác nhau. Còn đối với cơ quan nhà nước, để chuẩn bị đủ hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thì kinh phí chuẩn bị, phô tô tài liệu cũng tương đối lớn, chưa kể đến công tác lưu trữ rất phức tạp.

Trước thực tế đó, sau khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, tháng 10/2023, UBND huyện đã triển khai ứng dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên internet.

Theo đó, sau khi nhận hồ sơ tham gia chương trình OCOP của các chủ thể, tổ giúp việc của Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP sẽ rà soát, đưa toàn bộ thông tin hồ sơ liên quan đến sản phẩm lên hệ thống phầm mềm đánh giá, phân hạng OCOP. Sau khi hoàn thiện các thông tin về hồ sơ minh chứng cho sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm, các thành viên sẽ tham gia đánh giá theo quy trình trên hệ thống. Để lựa chọn chấm điểm cho phù hợp, các thành viên hội đồng có thể xem thông tin hồ sơ chi tiết về sản phẩm ngay trên hệ thống phần mềm đánh giá mà không phải mở từng trang tài liệu đối chiếu trong bộ hồ sơ như chấm thủ công. Sau khi thực hiện chấm xong, người chấm sẽ nhấn nút hoàn thành và Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện sẽ tổng hợp điểm bằng thao tác nhấn nút “tổng hợp hội đồng” tương ứng với từng sản phẩm để đối chiếu phân hạng sao.

Từ khi triển khai phầm mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến nay, toàn huyện đã đánh giá được 7 sản phẩm, trong đó, 2 sản phẩm đạt 4 sao trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Hiện nay, toàn huyện có tổng 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên.

Thông qua sử dụng phần mềm không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tìm kiếm thông tin và lưu trữ hồ sơ mà còn giảm bớt được thủ tục, đẩy nhanh quá trình đánh giá sản phẩm. Ngoài ra, giúp cho các chủ thể có thể bổ sung hồ sơ con thiếu trước giờ chấm mà không mất nhiều công đi lại.

Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát cho biết: Tháng 10/2023, chúng tôi thực hiện làm hồ sơ để đánh giá, phân hạng cho 3 sản phẩm, trong đó 2 sản phẩm: rau cải làn, rau ngồng hoa vàng đánh giá, phân hạng lại do chứng nhận hết hạn và 1 sản phẩm mới là hồng không hạt Bảo Lâm. Nếu như trước đây, chúng tôi cần bổ sung giấy tờ nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, phân hạng và tốn nhiều thời gian, công sức thì hiện nay, khi UBND thực hiện đánh giá, phân hạng OCOP trên hệ thống phần mềm internet, chúng tôi rất thuận lợi trong việc gửi và bổ sung hồ sơ mà không phải đi lại nhiều lần.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu sản phẩm OCOP là một giải pháp cần thiết và phù hợp, từ đó không chỉ tạo thuận tiện trong quá trình đánh giá, phân hạng mà còn tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong chương trình OCOP.

Cát Tiên

Báo Lạng Sơn – baolangson.vn