Cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất vùng Tây Bắc, ruộng bậc thang tô vàng vùng cao vào mùa gặt; thung lũng Mường Khoe bạt ngàn cà phê nở hoa trắng muốt, trập trùng đồi chè Tủa Chùa trải xanh non tươi mát… Ðiện Biên có nhiều cảnh đẹp gắn với nông nghiệp, nông thôn. Ðây là tiềm năng mà mảnh đất cực Tây đang sở hữu, có thể khai thác phát triển du lịch góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển.
Như đã đề cập, Ðiện Biên giàu tiềm năng du lịch nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh về sản xuất nông nghiệp như: Lúa gạo (huyện Ðiện Biên), cà phê (huyện Mường Ảng), chè (huyện Tủa Chùa), cây ăn quả (huyện Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo), vùng trồng dược liệu (huyện Tuần Giáo)… Cùng với đó là 56 sản phẩm OCOP (hầu hết là sản phẩm nông nghiệp); 44 nghề và làng nghề truyền thống, chủ yếu là dệt thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất, chế biến, bảo quản nông – lâm – thủy sản. Ngoài ra còn có những bản văn hóa cộng đồng nổi bật với không gian sản xuất nông nghiệp đặc trưng, độc đáo (bản Nà Sự, Che Căn, Phiêng Lơi…).
Tiềm năng du lịch nông nghiệp đầu tiên phải kể đến cánh đồng Mường Thanh từ lâu đã nổi tiếng với câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc…”, trải rộng trên địa bàn huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Mỗi năm trồng 2 vụ lúa, cánh đồng Mường Thanh “đổi màu” quanh năm từ xanh mạ non tới vàng trĩu bông; bao quanh là thôn xóm, bản làng thuần nông, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Ra khỏi lòng chảo Mường Thanh, đường đi các huyện, xã vùng cao đều dễ dàng bắt gặp những khu ruộng bậc thang dù mùa nước đổ hay xuống giống, già cây đều đẹp nao lòng. Ðâu đó lạc vào nương lúa của bà con bản địa, một nét riêng thu hút, níu chân. Anh Trần Văn Ðược, du khách tỉnh Hưng Yên, có chuyến tham quan Ðiện Biên chia sẻ: “Giữa tháng 10 vừa rồi tôi đến A Pa Chải, trên đường đi nhìn ngắm được rất nhiều cảnh đẹp, trong đó có những ruộng bậc thang tiếp nối nhau, ngả chín vàng rất đặc trưng và thơ mộng. Ðôi lúc chúng tôi dừng xe để thưởng lãm, thư giãn và chụp lại hình ảnh đó”.
Tuy nhiên thực tế, hầu hết các cảnh đẹp ấy du khách mới chỉ có thể nhìn ngắm từ khoảng cách nhất định chứ chưa đặt chân tới nơi được, hoặc vào trực tiếp nhưng không có điểm trải nghiệm. Do phần lớn các điểm nhỏ lẻ, không tập trung, đường xa, không thuận lợi, khó tiếp cận… Hơn hết là các vị trí ấy chưa được quy hoạch, khai thác, chưa tạo điểm dừng chân phục vụ du lịch. Có thể kể đến như thung lũng Mường Khoe (huyện Mường Ảng) với tiềm năng du lịch nông nghiệp gắn với cây cà phê. Cả thung lũng có diện tích cà phê tập trung, trải rộng bạt ngàn, vào mùa hoa cà phê trắng muốt, mùa quả chín đỏ rộ… tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình mà nhiều du khách yêu thích. Tuy nhiên ngoài điểm dừng chân ngắm toàn cảnh thung lũng từ trên cao (đèo Tằng Quái) thì tại đây vẫn chưa có nơi trải nghiệm để du khách đến gần hơn với cây cà phê, hòa mình vào cuộc sống người nông dân trồng cà phê. Còn với ruộng bậc thang Tà Lèng (xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ) rất đẹp và đường đến thuận lợi. Tuy nhiên, chưa có điểm dừng có thể ngắm cảnh khu ruộng, “check-in” chụp ảnh một cách đẹp nhất. Hơn nữa điểm chung khắp trong tỉnh ta là người dân gặt sớm khi lúa mới ngả vàng nên mùa lúa chín diễn ra rất nhanh; chưa có mục đích tạo điểm, đón du khách tới tham quan, trải nghiệm khi vào mùa.
Ðấy là những điều các công ty du lịch gặp khó khi tạo tour tuyến đưa khách đến các điểm đẹp trên địa bàn. Dù mong muốn kết nối, tạo điểm đến, điểm dừng chân cho du khách, làm đa dạng sản phẩm du lịch nhưng vẫn khó thực hiện. Anh Phan Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Phan Thành Tây Bắc (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Công ty chúng tôi luôn tìm những điểm đến đẹp ở khắp các cung đường để thêm điểm dừng chân, tạo thêm ấn tượng về mảnh đất Ðiện Biên hùng vĩ, thơ mộng cho du khách. Mỗi địa bàn đều có những điểm đẹp gắn với nông nghiệp nhưng để khai thác du lịch thì còn hạn chế nhiều do chưa được quy hoạch, người dân chưa tư duy làm du lịch. Liên quan đến nông nghiệp, Công ty thường đưa khách tham quan, chụp ảnh check – in tại một số điểm (như cánh đồng lúa, vườn mận…) chứ việc kết nối để trải nghiệm, hoặc có điểm dừng nghỉ phù hợp, ngắm trọn được cảnh đẹp ấy còn ít”.
Du lịch nông nghiệp tỉnh ta giàu tiềm năng, nhưng để biến điều đó thành sản phẩm du lịch vẫn cần thêm nhiều điều kiện, đầu tư, hỗ trợ. Cùng với sự kết nối tham gia của cộng đồng, cần cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển. Trong đó có cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch…