Cần Thơ: Giá trị bền vững của du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống địa phương. Phát triển du lịch nông thôn được xem là định hướng quan trọng trong quy hoạch du lịch Việt Nam, hướng đến du lịch xanh và bền vững.

Vườn chôm chôm nhà chị Phan Thị Kim Phước ở cồn Sơn thu hút nhiều du khách

Ðịnh hướng phát triển

Du lịch nông thôn được đề cập như một trong những định hướng chính trong các chương trình quy hoạch, chiến lược du lịch của nước ta. Cụ thể trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đều xác định mục tiêu phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp, bao trùm và đa giá trị.

Việt Nam sở hữu đa dạng di sản văn hóa và thiên nhiên với nhiều giá trị đặc trưng thích hợp phát triển phong phú các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch nông thôn. Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Những vấn đề này được chia sẻ tại hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism (Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc) vừa diễn ra ở Quảng Nam và được thảo luận theo định hướng mở cho phát triển. Các vấn đề quan trọng được đưa ra nghị sự là vai trò của du lịch trong định hình sự phát triển toàn diện tại khu vực nông thôn; tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách phù hợp; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương; chia sẻ lợi ích hài hòa, thúc đẩy sáng tạo trong phát triển các sản phẩm; các giải pháp tài chính và đầu tư bền vững, tích hợp nông nghiệp vào chuỗi giá trị du lịch…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng du lịch là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững, trong đó du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến. Việt Nam cũng có định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững. “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Theo đó, phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, đó là: luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách; đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn. Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Ðồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên…

Phát triển du lịch nông thôn tại Cần Thơ

Tại Cần Thơ, du lịch nông thôn đang được chú trọng, quan tâm. Tại đây có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn với trên 35 khu, điểm du lịch, khoảng 30 homestay và 2 điểm du lịch cộng đồng: cồn Sơn, cù lao Tân Lộc. Tại các điểm này đều có những trải nghiệm đặc trưng gắn với đời sống sông nước, miệt vườn Nam Bộ, như giăng lưới, câu cá, đặt trúm, đặt lờ, tát mương bắt cá, trồng lúa, trồng rau, trò chơi dân gian trên đồng ruộng, vườn trái cây, chèo ghe, bắt vịt…; hay trải nghiệm làm bánh dân gian, cơm quê, làng nghề, các sản phẩm OCOP.

Một trong những địa phương phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn là huyện Phong Ðiền. Huyện có gần 9.000ha trồng cây ăn trái, chiếm hơn 1/3 diện tích trồng cây ăn trái của toàn thành phố. Các điểm vườn thường tập trung nhiều ở xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, thị trấn Phong Ðiền; nổi bật với nhiều loại trái cây đặc sản. Du lịch đã giúp cuộc sống gia đình của người nông dân có sự thay đổi. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng (398 ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền), cho biết: “Kinh tế gia đình có nhiều thay đổi khi chuyển từ làm vườn sang kết hợp làm du lịch. Hồi trước thì kinh tế chỉ phụ thuộc vào vườn cây ăn trái nhưng nay chúng tôi có thêm thu nhập từ du khách tham quan hái trái, các trải nghiệm bắt cá, ẩm thực, làm bánh dân gian. Thấy làm ăn hiệu quả, gia đình tôi còn liên kết với các nhà vườn xung quanh để cùng nhau làm hợp tác, vừa tạo sản phẩm đa dạng, vừa giúp nhau làm kinh tế”.

Các nhà vườn hợp sức làm du lịch là hoạt động thường thấy trong du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ. Thành công nhất hiện nay chính là mô hình Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp cồn Sơn (quận Bình Thủy). HTX này hiện có gần 20 thành viên chính thức và hơn 60 cộng tác viên, hộ liên kết. Với định hướng phát triển du lịch nông nghiệp theo mô hình cộng đồng, HTX có nhiều sản phẩm đa dạng: nuôi cá bè trên sông, trải nghiệm vườn cây ăn trái, làng nghề, làm bánh dân gian… và đặc biệt là các hoạt động độc đáo như biểu diễn cá lóc bay, xiếc ếch, cho cá ăn cơm bằng muỗng… Chị Phan Thị Kim Phước, chủ nhà vườn Song Khánh, nói: “Khi chuyển từ làm vườn sang làm du lịch, cuộc sống của gia đình ổn định hơn. Cây trái trong vườn thì mình không lo mất giá, vì vườn cây để khách tham quan, có khi khách mua về không đủ bán. Chúng tôi tận dụng lợi thế vườn cây ao mương ở nhà làm du lịch, ai có thế mạnh gì thì chia sẻ rồi cùng nhau bàn bạc làm sản phẩm để các nhà không bị trùng lắp. Khi làm du lịch thì cả nhà cùng làm, người lớn thì chăm vườn, làm các trải nghiệm, mấy đứa nhỏ thì đón khách, hướng dẫn khách”. Có thể thấy, du lịch mang lại sự thay đổi cho diện mạo nông thôn. Người nông dân dần biết cách khai thác những giá trị sẵn có làm du lịch, đồng thời họ cũng biết cách giúp nhau làm kinh tế hiệu quả từ tri thức, tài nguyên bản địa.

Bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký UN Tourism, khi chia sẻ về Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn của UN Tourism, nói: “Bằng cách tập trung vào du lịch nông thôn, chúng ta có thể đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn; kết nối du lịch với nông nghiệp, nâng cao vị thế phụ nữ và người trẻ; đồng thời thu hút các khoản đầu tư quan trọng giúp xã hội công bằng hơn, bền vững hơn. Du lịch cũng góp phần củng cố giá trị văn hóa cộng đồng và phục hồi sợi dây kết nối giữa con người với hệ sinh thái”.

Có thể thấy, các mô hình du lịch nông thôn ở Cần Thơ tuy không nhiều nhưng vẫn có sự phát triển nhất định, mang lại hiệu quả về kinh tế, cách thức làm du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn ở mỗi địa phương sẽ có những thách thức, khó khăn riêng và cần có những định hướng phù hợp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho du lịch nông thôn phát triển.

Bài, ảnh: Ái Lam

Báo Cần Thơ – baocantho.com.vn