Chị Hà Thị Thu Thịnh (Hà Nội) lần đầu tiên cùng nhóm bạn về huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trải nghiệm những phút giây thư giãn đi thuyền trên sông, thăm cây gốc “Vải Tổ” và những vườn cây ăn trái xanh mướt trĩu quả; thưởng thức những món ăn dân giã mang đậm vị quê như cá nướng, mắm cáy, rươi kho niêu…
“Về đây, khiến con người ta hòa mình vào thiên nhiên, quên hết lo toan vất vả, ồn ào của cuộc sống; khi đi du thuyền trên sông, mình cảm thấy rất đáng sống. Con người nơi đây hiền hòa, dễ chịu, đẹp như thiên nhiên ấy. Một vùng quê thanh bình, yên tĩnh mà ở Hà Nội không có được. Mình sẽ quay trở lại, nhất định là như thế”, chị Hà Thị Thu Thịnh chia sẻ.
Đi thuyền trên sông tại Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn (Thanh Hà, Hải Dương)
Trong chuyến công tác ngắn ngày tại Hà Nội, tranh thủ ngày nghỉ, ông Nguyễn Thành Nhân (tỉnh Long An) cũng được bạn bè giới thiệu về Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn và nhiều danh thắng ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ông Nhân nhận thấy vùng quê sông nước này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và thu hút du khách: “Mình đi cũng nhiều nơi nhưng mới đến đây lần đầu tiên. Tham quan khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn thì thấy sự chăm sóc, cây kiểng rất đẹp. Đến đây, thấy không khí và cách đón tiếp cũng rất thích thú. Thời gian tới, nếu có dịp sẽ giới thiệu anh em tới tham quan làng vải Thanh Hà”.
Mùa vải hàng năm, rất đông du khách tìm về Hải Dương để tham quan, check-in vườn vải
Bà Hoàng Thị Thúy Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết để phục vụ du khách và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác đào tạo nhân lực du lịch được địa phương đặc biệt quan tâm: “Để mỗi người dân là một hướng dẫn viên, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và đặc trưng của huyện Thanh Hà, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ đoàn và những nông dân tham gia làm du lịch. Đặc biệt, trong mùa vải thiều, chúng tôi có lực lượng đoàn thanh niên tình nguyện. Chúng tôi cũng thành lập những tổ chuyên nghiệp hướng dẫn tại các điểm du lịch như điểm cây vải tổ cũng như điểm du lịch Đồng Mẩn…”
Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương, việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp tại Thanh Hà chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù phong phú về điểm đến nhưng đa phần mang tính mùa vụ, chưa được đầu tư bài bản, đường vào nhỏ hẹp.
Du khách thích thú khi tự tay được hái và thưởng thức vải chín
Bà Phạm Thị Liêm, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái vải thiều Đồng Mẩn cho biết để vừa làm tốt vai trò một nông dân, vừa làm vai trò của một người quản lý, hướng dẫn viên du lịch không hề dễ dàng, mọi cái đều phải học hỏi và tích lũy kinh nghiệm dần dần. Với sự nỗ lực của các thành viên trong HTX, khu du lịch sinh thái vải thiều Đồng Mẩn đang ngày càng hoàn thiện và được nhiều người biết đến.
“Chúng tôi chủ lực là cây vải thiều và đang định hướng lai ghép những cây khác vào để du lịch kết hợp lâu dài, mùa nào thứ ấy, nhưng mới chỉ là dự định trong tương lai. Hiện tại chúng tôi dần dần cũng thêm thứ khác để du khách có trải nghiệm từng mùa. Mùa vải thì kéo dài trong 3 tháng nhưng chúng tôi chủ lực là cây vải thiều nên chỉ tham quan, trải nghiệm được trong 2 tuần thôi”, bà Phạm Thị Liêm cho biết.
Trải nghiệm làm nông dân tại vùng cà rốt xuất khẩu Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng là một ấn tượng khó quên với khách tham quan
Bà Hoàng Thị Thúy – Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ du lịch cũng cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương còn mang tính mùa vụ, chưa có sự kết nối các điểm tham quan, các hộ làm du lịch để hình thành các tour hấp dẫn, mà đang mạnh ai người ấy làm. Bà Thúy lấy ví dụ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở Cồn Sơn (Cần Thơ), người dân làm du lịch miệt vườn quanh năm vì có sự liên kết giữa các hộ gia đình và với các công ty du lịch; vì vậy, Cồn Sơn lúc nào cũng tấp nập du khách.
Theo bà Hoàng Thị Thúy, tỉnh Hải Dương với tiềm năng hoa trái quanh năm, nếu có sự liên kết giữa các đơn vị, địa phương và sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan, ban, ngành thì chắc chắn du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh: “Xu hướng mọi người đi du lịch bây giờ là muốn trải nghiệm, check-in, những điểm đấy thì mình có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, để làm du lịch thì cần đồng bộ hơn, có các cơ sở dịch vụ đi kèm như nhà hàng, điểm dừng chân… Phải có sự liên kết giữa các hộ gia đình thì mới làm quanh năm được, chứ không thì chỉ mang tính mùa vụ. Cơ quan quản lý nên đứng ra làm đầu mối kết nối, ví dụ như Hải Dương có những sản phẩm gì, quý 1 mùa cây trái gì, quý 2 mùa gì, quý 3 mùa gì…, để có thông tin rộng rãi cho mọi người biết và định hướng du khách”.
Để du lịch nông nghiệp nông thôn tại Hải Dương phát triển cần “người nhạc trưởng”, kết nối các cơ sở du lịch, các hộ nông dân tham gia phát triển du lịch, đồng thời cần sự đầu tư hơn nữa từ các ban, ngành và địa phương, để phát huy tiềm năng của địa phương và phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.