Vườn Quốc gia U Minh Hạ thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, là 1 trong 34 Vườn Quốc gia trên toàn quốc, được UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Trong hơn 8.500 ha của Vườn Quốc gia U Minh Hạ sở hữu, còn khoảng 1.761 ha là rừng nguyên sinh. Ðây là diện tích rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài lưỡng cư, bò sát.
Mục tiêu Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ một cách bền vững gắn với việc bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Trên cơ sở đó, Vườn Quốc gia U Minh Hạ tổ chức thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu chức năng có tổng diện tích 1.318,5 ha, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính 743,6ha và một phần phân khu phục hồi sinh thái 574,9ha. Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phân thành 6 khu chức năng: khu đón tiếp khách du lịch; khu du lịch sinh thái; khu vườn sưu tập động thực vật và vườn dược liệu (mô hình Safari vườn + thú); khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống; khu nghỉ dưỡng; khu trồng cây lưu niệm.
Ngoài ra, còn có các tuyến du lịch như: Các tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch (hoạt động bằng các phương tiện: Xe máy, ô tô, xe điện, xuồng, đi bộ…) và các tuyến kết nối các khu điểm du lịch ở khu vực như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong, ngoài tỉnh. Do đó, việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các tuyến, điểm này.
Việc phê duyệt Ðề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 sẽ là cơ hội để khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn hệ sinh thái đa dạng sinh học rừng tràm; góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch tìm đến đây để khám phá, trải nghiệm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Trung tâm Thông tin du lịch