Bố Trạch (Quảng Bình): Khi sản phẩm OCOP kết nối với du lịch

Bố Trạch (Quảng Bình) là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng là nơi có thế mạnh về nông nghiệp, với số lượng sản phẩm OCOP đứng đầu toàn tỉnh. Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch ở Bố Trạch không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm mà còn giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm đậm đà sắc thái văn hóa địa phương.
Để du khách đến gần hơn với sản phẩm OCOP
Phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Bố Trạch đã tích cực triển khai nhiều giải pháp xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt năng suất, hiệu quả. Các địa phương đã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, chất lượng để xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 65 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (đứng đầu toàn tỉnh), trong đó có 56 sản phẩm OCOP 3 sao, 9 sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện luôn được các chủ thể chú trọng đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì, mẫu mã đẹp mắt, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc.
Với mong muốn sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến, tăng sản lượng tiêu thụ, huyện Bố Trạch và các đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, việc kết nối, giới thiệu cho khách du lịch đang được quan tâm thực hiện.
Các đoàn khách đến tham quan, mua sắm tại điểm tham quan du lịch HTX Cự Nẫm.
Các đoàn khách đến tham quan, mua sắm tại điểm tham quan du lịch HTX Cự Nẫm
Hợp tác xã (HTX) Tinh dầu Như Oanh hiện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Tràm trà, tràm năm gân, sả chanh, sả Java. Thời gian qua, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, HTX cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Để sản phẩm OCOP được kết nối với du lịch, trở thành quà tặng du khách lựa chọn khi đến Quảng Bình, HTX đã đầu tư xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm.
Giám đốc HTX Trần Thị Như Oanh chia sẻ: “Từ khi có điểm trưng bày sản phẩm OCOP, nhờ sự kết nối giữa HTX với các công ty lữ hành, các đoàn khách tham quan du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng ghé thăm HTX của chúng tôi khá đông, trung bình khoảng 10-12 đoàn/tháng. Ngoài ra, HTX cũng đón nhiều đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh bạn. Nhờ đó, thông qua kênh kết nối du lịch, mỗi tháng, HTX tiêu thụ từ 300-500 sản phẩm, lãi khoảng 25 triệu đồng”.
Sản phẩm OCOP của HTX Tinh dầu Như Oanh được chú trọng cả về chất lượng và mẫu mã.
Sản phẩm OCOP của HTX Tinh dầu Như Oanh được chú trọng cả về chất lượng và mẫu mã
Chỉ riêng năm 2023, Quảng Bình đã đón hơn 4,5 triệu lượt khách. Vì thế, việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những chủ trương mà huyện Bố Trạch hướng tới.
Với mong muốn đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với du khách, năm 2023, UBND huyện Bố Trạch đã xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị trấn Hoàn Lão. HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (HTX Cự Nẫm), HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh cũng xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của riêng mình.
Bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cự Nẫm cho hay: “HTX hiện có 4 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2021, HTX được Sở Du lịch hỗ trợ xây dựng điểm tham quan du lịch HTX Cự Nẫm và đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Cùng với đó, HTX tích cực kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng đặc sản, điểm du lịch, cơ sở lưu trú để phục vụ du khách. Thông qua kênh kết nối du lịch, sản lượng, doanh thu bán hàng của HTX tăng lên, các sản phẩm cũng được khách hàng trong, ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn”.
Huyện Bố Trạch tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Huyện Bố Trạch tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP
Quảng bá giá trị văn hóa, sản vật địa phương 
Bố Trạch hiện có nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền, như: Cao cà gai leo Thanh Bình, nấm linh chi Tuấn Linh, chả cá trắm sông Son, tinh dầu sả Như Oanh, chả mực Chính Thoan… Những sản phẩm này được chế biến từ nguồn nguyên liệu thế mạnh, sẵn có, chất lượng tại địa phương. Với chất lượng bảo đảm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm OCOP huyện Bố Trạch đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn huyện Bố Trạch, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Việc xây dựng sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Mỗi sản phẩm OCOP được xem như là “sứ giả” văn hóa, truyền bá đặc trưng của địa phương đó đến với cộng đồng, thị trường. Do đó, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết.
Các sản phẩm OCOP được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chất lượng tại địa phương.
Các sản phẩm OCOP được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chất lượng tại địa phương
Ông Trần Ngọc Chính, Giám đốc Công ty TNHH Hải Tâm chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền biển xã Hải Phú. Trước nguồn tài nguyên hải sản phong phú, vợ chồng tôi lựa chọn khởi nghiệp bằng việc thu mua, chế biến hải sản. Nhận thấy chất lượng mực của biển Quảng Bình có vị ngọt ngon hơn so với những vùng biển khác, chúng tôi quyết định sản xuất sản phẩm chả mực Chính Thoan để giới thiệu đến khách hàng đặc sản quê hương. Nhờ chất lượng thơm ngon nên sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn”.
“Triển khai chương trình OCOP là quá trình liên tục, lâu dài, theo lộ trình phù hợp với điều kiện, nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương. Kết quả thực hiện phải thực chất, không nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích; có kế hoạch, giải pháp cụ thể, bảo đảm tính bền vững của từng sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, việc kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch góp phần tạo sức cạnh tranh, hướng sản phẩm mở rộng thị trường; qua đó, không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thêm những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch gắn với chương trình OCOP. Địa phương sẽ nghiên cứu, làm việc với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn để đưa sản phẩm OCOP phù hợp vào các quầy lưu niệm tại các cơ sở; hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khu, điểm tham quan du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách du lịch trong nước và quốc tế; nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, công tác kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm OCOP được công nhận…
Lê Mai
Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn