Bình Phước phấn đấu mỗi địa phương có tối thiểu 02 điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

(TITC) – Ngày 01/6/2023, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND nhằm thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Chương trình phát triển du lịch nông thôn của Bình Phước, giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn, thúc đẩy liên kết, xây dựng phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn hiệu quả.

Đồng thời phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn góp phần thực hiện mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trong hoạt động du lịch.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển, hình thành mỗi địa phương có tối thiểu 02 điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. 

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phục vụ du lịch, bồi dưỡng nghề cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp nông thôn. Tập trung xây dựng 06 mô hình thí điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp gồm có: (1) Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (2) Thí điểm xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch nông thôn mang đặc trưng địa phương. (3) Xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. (4) Xây dựng mô hình hoạt động trải nghiệm, tham quan về ngành điều. (5) Xây dựng các mô hình theo chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của người dân là chủ thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. (6) Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. (7) Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. (8) Rà soát, bổ sung và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại Bình Phước như: xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền. Quy hoạch và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm (nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm…) đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…). Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản địa phương, ăn uống, giải khát, vệ sinh,…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.

Đồng thời đầu tư phục dựng và phát triển 06 mô hình thí điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Cụ thể là mô hình du lịch nghỉ dưỡng theo phương pháp thảo dược của người đồng bào dân tộc M’nông và S’tiêng tại vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập và 05 mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương khác nhau gồm có: (1) Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa cộng đồng người S’tiêng tại ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản; (2) Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm  sinh hoạt văn hóa của người S’tiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng. (3) Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm sinh hoạt văn hóa của người M’nông và S’tiêng tại Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch, huyện Bù Đăng; (4) Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm sinh hoạt văn hóa người S’tiêng tại xã Long Giang, thị xã Phước Long. (5) Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm sinh hoạt văn hóa người Khmer và S’tiêng tại các ấp Chà Đôn, Ba Ven, Sóc Lớn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh…

 

Trung tâm Thông tin du lịch