Bình Dương: Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương.


Sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ – Bình Dương năm 2023

Cơ hội nâng tầm du lịch

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được tỉnh Bình Dương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao của 49 chủ thể. Hiện nay, tỉnh cũng đang khai thác lợi thế về du lịch gắn kết với sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, xem đây là cơ hội để nâng tầm du lịch của tỉnh và nâng cao đời sống người dân.

Tại huyện Phú Giáo, phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP đang là cách làm được nhiều cá nhân, hộ dân thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Theo UBND huyện Phú Giáo, Chương trình OCOP luôn được huyện chú trọng thực hiện, kết quả đến nay có 21 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao mang đặc trưng của địa phương như dưa lưới, chuối, bưởi, cam sành, cà phê rang xay nguyên chất, ổi không hạt… Các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch huyện Phú Giáo đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với hồ tiêu, cam và bưởi Phú Giáo. Công tác xây dựng mã vùng trồng và mã đóng gói xuất khẩu đến nay đã có 2 mã vùng trồng chuối với diện tích 250 ha và 1 mã trồng mít xuất khẩu với diện tích 70 ha; đồng thời, đang phối hợp xây dựng 1 mã xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.

Các mô hình này đã khẳng định sự phù hợp với điều kiện của huyện, bước đầu có sự phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất khả quan. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có các khu, dự án, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, như: Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái với diện tích hơn 410 ha tại xã An Thái của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I; khu chăn nuôi bò sữa Anova có diện tích 471 ha ở Phước Sang; khu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty Cổ phần Vinamit với diện tích hơn 152 ha và Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Long ở xã An Bình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung mọi nguồn lực

Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện. Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP, thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với Chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng bảo đảm bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng; từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với việc phát huy tiềm năng, lợi thế về làng nghề thủ công truyền thống, vườn cây ăn trái, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn của tỉnh. Từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái. Phấn đấu có 50% điểm du lịch nông thôn công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động. Phấn đấu 80% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Kế hoạch đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện có hiệu quả. Khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng và phát triển sản phẩm OCOP. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn. Xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn.

 Thoại Phương – Hải Dương
Báo Bình Dương – baobinhduong.vn