Bình Định: Tây Sơn tích cực kết nối quảng bá sản phẩm OCOP

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) chú trọng công tác phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tìm kiếm, phát triển thị trường gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển du lịch trên địa bàn.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 26 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm dầu phụng Thượng Giang của HTX Nông nghiệp Thượng Giang (xã Tây Giang) đạt chuẩn OCOP 4 sao, các sản phẩm còn lại đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất trong huyện ngày càng quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm, gắn thương hiệu với chất lượng sản phẩm để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của huyện.

Cơ sở sản xuất nem, chả Lê Sang sẽ đầu tư thêm máy móc, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hải Yến

Ông Lê Văn Sang, chủ cơ sở nem chả Lê Sang (thị trấn Phú Phong), chia sẻ: Khi sản phẩm của cơ sở đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2022, chúng tôi được UBND huyện hỗ trợ quảng bá, đưa sản phẩm đi tham gia nhiều hội nghị, hội chợ, triển lãm, phiên chợ trong và ngoài tỉnh. Tháng 5/2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định hỗ trợ đưa sản phẩm trưng bày và bán tại Lào. Sau mỗi chuyến đi, cơ sở không chỉ thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường mà còn học hỏi nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cơ sở đã đặt hàng máy đo định vị sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn; xây dựng, mở rộng nhà máy mới sản xuất các sản phẩm nông sản sấy khô.

Ngoài các sản phẩm truyền thống được đánh giá cao chất lượng như: Dầu mè của hộ Nguyễn Thanh Mười (xã Bình Thuận), mít Thái và quýt của hộ Trần Văn Ra (xã Vĩnh An), dầu phụng Thượng Giang (xã Tây Giang), chanh đào của hộ Huỳnh Văn Hiển (xã Tây Thuận), ổi nữ hoàng và bưởi da xanh của hộ Bùi Thúc Thuận (xã Tây An), bánh ít lá gai Hoàng Đông (xã Tây Bình), rau cải VietGAP Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong)…, còn có nhóm sản phẩm mới, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao như Đông trùng hạ thảo tươi và khô của Công ty TNHH BD Group (thị trấn Phú Phong).

Vốn là kỹ sư công nghệ sinh học, anh Nguyễn Ngọc Luyến, Giám đốc Công ty TNHH BD Group, đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, hệ thống máy móc để nuôi cấy đông trùng hạ thảo, chế biến các sản phẩm như: Nấm Đông trùng hạ thảo khô loại 10g, nấm Đông trùng hạ thảo tươi, trà túi lọc Đông trùng hạ thảo, loại 20 túi/hộp, rượu Đông trùng hạ thảo, yến chưng Đông trùng hạ thảo. Trung bình, công ty bán 60 kg nấm Đông trùng hạ thảo khô/tháng, doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm. Hiện công ty đang chuẩn bị để đầu năm 2025 cho ra mắt một số sản phẩm mới như snack ăn liền từ Đông trùng hạ thảo.

Trong năm 2024, huyện Tây Sơn hỗ trợ 8 – 11 sản phẩm địa phương đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Địa phương còn triển khai hỗ trợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện như Bảo tàng Quang Trung, nhà hàng Thanh Thanh… Qua đó, vừa phát triển thêm kênh tiêu thụ, vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần tạo sự phong phú cho hàng hóa địa phương, cũng như đa dạng các sản phẩm du lịch…

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các sản phẩm OCOP Tây Sơn còn nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại, chưa có sản phẩm khác biệt. Hiện nay, huyện có sản phẩm Đông trùng hạ thảo là sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao, cần sự đầu tư, hỗ trợ của huyện nhiều hơn nữa để đạt chuẩn OCOP 5 sao. Sở NN&PTNT hỗ trợ huyện xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, lập Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu giai đoạn 2024 – 2027 để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng nhấn mạnh: Tham gia chương trình OCOP là người dân tiến thêm một bước về phương thức canh tác, quy trình sản xuất cũng như cách quảng bá, tiếp cận thị trường. Huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng hình ảnh, thiết kế bao bì, mẫu mã gắn với các câu chuyện sản phẩm; hình thành các chuỗi liên kết, từng bước chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, vừa giúp DN, HTX, cơ sở sản xuất tiếp cận các quy trình sản xuất, vừa giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa các địa phương.   

Hải Yến
Báo Bình Định – baobinhdinh.vn