Đầu năm 2023, UBND huyện Tây Sơn có kế hoạch kêu gọi đầu tư vào du lịch, nhất là phát triển du lịch cộng đồng, phấn đấu đạt 300 – 350 nghìn lượt khách và doanh thu tiền vé và dịch vụ tại điểm đạt 12,67 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, huyện đang đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động số 06-CTr/HU của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ huyện về phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2020 – 2025. Năm 2023, huyện Tây Sơn thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông tại làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong) để phát triển du lịch. Huyện cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn và đưa hộ dân ở làng rau Thuận Nghĩa đi học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng để triển khai tại địa phương.
Huyện Tây Sơn quy hoạch làng rau VietGAP Thuận Nghĩa để phát triển du lịch. Ảnh: Hải Yến
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, cho biết: HTX đã vận động người dân hiến 1.500 m2 đất mở rộng đường bê tông từ 3,5 m lên 6 m, dài 500 m; làm sân để xe, khu vệ sinh… làm cơ sở đón khách du lịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã đón hơn 2.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm trồng, thu hoạch, sơ chế rau củ quả. HTX tiếp tục nâng cấp, mở rộng các khu sơ chế, trải nghiệm, phục vụ mô hình giáo dục địa phương cho học sinh…
Cùng với phát triển mô hình du lịch tại làng rau Thuận Nghĩa, huyện Tây Sơn còn đôn đốc cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư chất lượng sản phẩm OCOP, đảm bảo tổ chức trưng bày tại các điểm tham quan, du lịch trong và ngoài huyện.
Điển hình như, HTXNN Thượng Giang đã đầu tư 540 triệu đồng (trong đó Sở Công Thương hỗ trợ 130 triệu đồng) trang bị 2 dàn máy ép dầu đa năng nâng cao chất lượng sản phẩm dầu phộng, dầu mè đạt chứng nhận OCOP để đưa vào giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi vừa nhận lời cung cấp sản phẩm dầu phộng, dầu mè cho các điểm du lịch tại địa phương như: Hầm Hô, Bảo tàng Tây Sơn và một số nhà hàng, khách sạn. Để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng làm quà tặng, chúng tôi thuê thiết kế chai, nhãn mác độc quyền, mã QR, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho sản phẩm dầu phộng, dầu mè”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, chia sẻ.
Hiện, nhiều nhà hàng, quán ăn quy mô trên địa bàn Tây Sơn cũng trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc sản OCOP của huyện. Bà Lê Thị Hồng Hạnh, chủ nhà hàng Thanh Thanh (thị trấn Phú Phong) cho hay: Nhà hàng đưa sản phẩm thương hiệu tré Tây Sơn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP vào thực đơn phục vụ khách du lịch đến địa phương, được khách ưa chuộng. Chúng tôi cũng đã mở quầy trưng bày và bán sản phẩm này ngay tại nhà hàng, tiêu thụ rất tốt trong những dịp lễ, tết; thậm chí nhiều khách hàng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai… còn trở thành khách ruột.
Sản phẩm tré Tây Sơn được trưng bày, giới thiệu tại nhà hàng Thanh Thanh. Ảnh: Hải Yến
Theo ông Bùi Văn Mỹ, UBND huyện Tây Sơn chọn một số địa điểm du lịch mở các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm đến du khách. Song song đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT hướng dẫn các chủ hộ có 16 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hoàn thiện truy xuất nguồn gốc; phối hợp với Hội Nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; vận động chủ hộ nâng cao chất lượng sản phẩm đạt 4 – 5 sao. Ngoài ra, các địa phương phối hợp đưa sản phẩm OCOP ra ngoài tỉnh nhiều hơn bằng việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Hải Yến
Báo Bình Định – baobinhdinh.vn