Năm 2023, huyện Tây Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và các mô hình tới các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị – xã hội từ huyện tới cơ sở; phối hợp các sở, ngành thực hiện hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO… cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP…
Nhờ đó, UBND huyện vừa công nhận 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023 gồm: Đông trùng hạ thảo tươi và khô của Công ty TNHH BD Group (thị trấn Phú Phong), dầu mè của hộ Nguyễn Thanh Mười (xã Bình Thuận), mít thái và quýt của hộ Trần Văn Ra (xã Vĩnh An), chanh đào hộ Huỳnh Văn Hiển (xã Tây Thuận), ổi nữ hoàng và bưởi da xanh của hộ Bùi Thúc Thuận (xã Tây An), bánh ít lá gai Hoàng Đông của hộ Hồ Thị Mỹ Phúc (xã Tây Bình), rau cải VietGap Thuận Nghĩa của HTXNN Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong).
Các sản phẩm OCOP Tây Sơn tham gia chương trình hoạt động “Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại tỉnh Lâm Đồng” năm 2023. Ảnh: Hải Yến
Ông Huỳnh Văn Hiển, Phó Giám đốc HTXNN dịch vụ Tây Thuận, mạnh dạn mua 500 cây chanh đào của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng theo hướng hữu cơ trên diện tích 5.000 m2, tổng chi phí 100 triệu đồng. Hiện nay, trung bình ông Hiển thu nhập 100 triệu đồng/năm từ vườn chanh đào. Ông Hiển cho hay: Ngay khi trồng chanh đào, tôi xác định tạo ra sản phẩm chất lượng theo hướng hữu cơ. Do đó, tôi tận dụng vườn rộng để nuôi gà thả vườn cung cấp phân bón cho cây chanh. Khi cây bị sâu bệnh, tôi dùng ớt tươi, tỏi xay nhuyễn rồi ngâm với rượu trắng tạo thành dung dịch hỗn hợp để phun ngừa sâu bệnh… Chanh đào trồng theo hướng hữu cơ sản lượng thấp nhưng khá thơm, vỏ dày, vị đậm được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán cao. Năm 2023, UBND huyện đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí, hướng dẫn tôi hoàn thành thủ tục đăng ký chứng nhận OCOP. Khi đạt chứng nhận, tôi mở rộng diện tích trồng chanh đào và đưa lên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, huyện Tây Sơn có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 27 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Đặng Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV VITA (xã Bình Nghi), cho biết: Năm 2022, công ty sản xuất sản phẩm bánh canh khô rau củ quả VIDATA và đạt chứng nhận OCOP. Công ty tiếp tục duy trì, nâng cao giá trị sản phẩm; nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm khác cung cấp ra thị trường như dòng sản phẩm bánh hỏi khô rau củ quả, nui khô rau củ quả… Công ty đã mạnh dạn đầu tư quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO… đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao bì, tem nhãn hàng hóa. Các sản phẩm của công ty bảo đảm nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, mẫu mã bao bì đa dạng, được khách hàng tin dùng. Chúng tôi đang nỗ lực đạt mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP nâng tầm chất lượng, phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP “sản phẩm chuyên nghiệp” có thể xuất khẩu.
Tháng 6.2023, Công ty TNHH MTV VITA được Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam hợp tác giới thiệu sản phẩm nông nghiệp xanh trong dự án 110VJ.LOVE tại 63 tỉnh, thành ở Việt Nam và 47 quận của Nhật Bản. Đó là minh chứng cho những nỗ lực của huyện trong hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP. Từ đó, nhiều sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện – Chủ tịch Hội đồng tư vấn, đánh giá, thẩm định và xếp hạng các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 huyện Tây Sơn, cho biết: Để những sản phẩm OCOPđược công nhận phát huy hết giá trị thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, huyện đang tích cực hỗ trợ các sản phẩm này tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng do các sở, ngành tổ chức để đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong cả nước.
Hải Yến
Báo Bình Định – baobinhdinh.vn