Những năm gần đây, cùng với việc đón lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Bình Định ngày càng tăng, công tác định hướng gắn phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch được tỉnh quan tâm, chú trọng nhiều hơn.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, các làng nghề của địa phương vẫn trường tồn, bền bỉ và không ngừng phát triển, sáng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng phục vụ cho nhu cầu của người dân cũng như hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.
Hiện nay, nhiều làng nghề của tỉnh Bình Định được công nhận theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12.4.2018, của Chính phủ, “Về phát triển ngành nghề nông thôn”; các làng nghề của địa phương không những góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định, thực hiện Đề án “Thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, hiện nay đang triển khai tại 4 làng nghề truyền thống: Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1, Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn; Làng nghề rượu Bàu Đá xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn; Làng trồng bí đao khổng lồ Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ; Làng nghề nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát.
Minh chứng cho Đề án này là những năm qua, số lượt khách du lịch đến với Làng nghề bánh tráng nước dừa và bún số 8 Tam Quan Nam từ năm 2019 đến nay là 1.450 lượt khách; trong đó, 6 tháng đầu năm 2024 số lượt khách du lịch đến với Làng nghề bánh tráng nước dừa và bún số 8 Tam Quan Nam là 320 lượt khách. Số lượt khách du lịch đến với Làng nghề rượu Bàu Đá từ năm 2019 đến nay là 1.200 lượt khách; trong đó, 6 tháng đầu năm 2024 số lượt khách du lịch đến với Làng nghề rượu Bàu Đá là 103 lượt khách.
Trong khi đó, số lượt khách du lịch đến với Làng trồng bí đao khổng lồ Mỹ Thọ từ năm 2019 đến nay là 1.050 lượt khách; trong đó, 6 tháng đầu năm 2024 số lượt khách du lịch đến làng trồng bí đao là 450 lượt khách. Số lượt khách du lịch đến với Làng nghề nón ngựa Phú Gia từ năm 2019 đến nay là 6.200 lượt khách; trong đó, 6 tháng đầu năm 2024 số lượt khách du lịch đến với Làng nghề nón ngựa Phú Gia là 550 lượt khách.
Đánh giá về kết quả bước đầu của Đề án, ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Nhiều năm qua, các Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác phát triển du lịch làng nghề. Các làng nghề từng bước hình thành được các sản phẩm du lịch; các chương trình du lịch có kết hợp tham quan làng nghề thu hút được khách du lịch tham quan và trải nghiệm.
Du lịch làng nghề phát triển giúp các làng nghề khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất truyền thống, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường của làng nghề; sản lượng bán các sản phẩm của làng nghề tăng lên, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng nghề. Các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân có sự quan tâm xây dựng môi trường du lịch, ứng xử văn minh, xây dựng hình ảnh đẹp làng nghề.
Bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, chuyển biến, tuy nhiên Sở Du lịch Bình Định thẳng thắn nhìn nhận vẫn có những khó khăn, hạn chế. Trong đó, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu phát triển du lịch làng nghề như: đường giao thông chưa đáp ứng được các phương tiện vận chuyển lớn (xe từ 24 chỗ trở lên); điện, nước, nhà vệ sinh còn thiếu; chưa có khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm; thiếu các cơ sở phục vụ du lịch; khu vực trải nghiệm cho khách du lịch.
Đội ngũ nghệ nhân, lao động làng nghề chưa được đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ du lịch để nâng cao giá trị của làng nghề và sản phẩm làng nghề. Cán bộ phụ trách công tác du lịch ở địa phương hầu hết là kiêm nhiệm, còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo chuyên môn về du lịch, chỉ được bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày thông qua các lớp do Sở Du lịch tổ chức hàng năm…
Để tiếp tục thực hiện Đề án “Thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo giao UBND thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát nghiên cứu các nội dung đề nghị của Sở Du lịch.
Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian đến, nhằm triển khai có hiệu quả việc kết hợp hài hòa giữa khai thác du lịch tại các làng nghề truyền thống với các điểm nhấn tham quan du lịch nổi bật trong khu vực lân cận.
Ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chia sẻ: Để nâng tầm giá trị sản phẩm tại các làng nghề, các địa phương cần quan tâm nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông của làng nghề và triển khai tốt các chính sách khuyến công, phát triển làng nghề; đầu tư xây dựng quầy trưng bày sản phẩm đặc trưng, bảo tồn, lưu giữ các vật dụng, công cụ chế biến sản phẩm truyền thống, cải tạo sắp xếp lại sản xuất của các hộ sản xuất trong làng nghề trở thành điểm tham quan trình diễn, trải nghiệm của khách du lịch…
Ngoài ra ông Trần Văn Thanh đề nghị, nếu có các địa phương cần duy trì tổ chức Lễ giỗ tổ làng nghề hàng năm. Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ tốt môi trường làng nghề; giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của làng nghề, đảm bảo an toàn an ninh cho du khách khi đến làng nghề.
Bài, ảnh: Linh Tá
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn