Sống giữa rừng núi, người Bana Kriêm ở Bình Định đã biết tận dụng thiên nhiên phục vụ cuộc sống. Nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng được bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây biến thành những món ăn hấp dẫn cho bữa ăn gia đình và trở thành ẩm độc đáo của vùng cao để hút khách du lịch trong thời gian gần đây.
Đó cũng là nỗ lực tại các làng vùng cao của người Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh. Họ đang làm tất cả để giữ hương vị núi rừng, hơn hết giới thiệu nét độc đáo ẩm thực của bà con đến du khách.
Độc đáo từ món ăn bản địa
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp như Suối Tà Má, hồ Định Bình, hồ Hòn Lập, Gộp Nước Ló và tài nguyên quý giá về văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của người Bana Kriêm.
Trong những ngày đầu tháng 10, dưới những lớp mây giăng phủ kín cùng sương sớm và cái se lạnh ở vùng cao, chúng tôi được chị Định Thị Xiêu, làng 5, xã Vĩnh Thuận kể về những món ăn độc đáo của bà con Bana Kriêm nơi đây. “Ngày xưa mỗi lần thịt heo không thể ăn hết trong thời gian ngắn và cũng với mong muốn bảo quản được lâu hơn nên ông bà trước kia đã nghĩ ra cách treo thịt heo lên gác bếp để khói ám vào thịt dự trữ được lâu hơn. Ngày nay với món này đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ đãi khách quý”, chị Xiêu nhớ lại.
Độc đáo ẩm thực của người Bana Kriêm vùng cao Bình Định
Theo chị Xiêu, thịt heo được chọn là heo đen, lấy phần thịt vai hoặc thịt đùi làm sạch, treo gác bếp từ đầu năm. Khi nào cần dùng thì lấy từng xâu thịt xuống. Sau thời gian dài treo trên gác bếp, phần khói ám vào rất nhiều qua quá trình đun nấu càng tạo thêm hương vị đặc trưng của heo và khói.
Cũng theo chị Xiêu, ngày nay thì thịt heo trước khi treo sẽ được tẩm ướp thêm một ít gia vị gồm tỏi, ớt bay, tiêu rừng, lá é rồi treo lên gác bếp hoặc phơi khô tuỳ gia đình. Tuy nhiên khi dùng thì sẽ được cạo bớt phần khói, nướng trên than hồng. Khi dùng sẽ ăn cùng lá cải cay loại cải chuyên mọc gần vùng suối. Vị thơm béo của thịt cùng gia vị và vị cay cay nồng nồng của lá cải sẽ khiến thực khách đôi khi chảy nước mắt ạ. Vâng, khi dùng ta sẽ chấm cùng muối ớt bay và tiêu rừng giã nhuyễn, vắt thêm chút nước chanh hoặc giã cùng kiến vàng tạo cho món ăn càng thêm hấp dẫn.
Cho đến vô số ẩm thực vùng cao
Vĩnh Sơn ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, được ví như “cổng trời” và có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp với núi rừng hùng vĩ, sông, suối, thác nước còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ – Căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995).
Đến với Vĩnh Sơn, ngoài việc thưởng thức các món ăn có vị đắng dân dã của miền cao nơi đây như cà đắng, măng le… chắc hẳn du khách sẽ thiếu sót nếu chưa được thưởng thức vị đắng của đọt mây. Cũng như lồ ô, măng le, cây mây mọc rất nhiều trong rừng. Mùa khô, cùng với việc đi lên nương dọn rẫy, bà con đồng bào các nơi đây còn tranh thủ kiếm những đọt mây bụ bẫm mang về tước bỏ phần vỏ bên ngoài, lấy lõi bên trong rồi luộc chín. Lõi mây có màu trắng đục khi chín chuyển sang màu tim tím. Thoạt đầu mới ăn vào thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng, giòn giòn nhưng càng nhai đọt mây càng ngọt. Đọt mây luộc chấm với muối ớt hoặc nấu với thịt, xương heo thay cà đắng, măng đắng mới được xem là đúng bài.
Tại vùng cao Vĩnh Thạnh, du khách có thưởng thức đặc sản cá niên và rau dớn. Theo người Bana Kriêm, cá niên sống theo bầy đàn tập trung nhiều ở những vùng nước sâu dọc các con sông, suối đầu nguồn, gần thác nước. Nhìn hình dạng, cá niên hơi giống cá chép nhưng thân mình thon thả hơn, cá trưởng thành to cỡ 3 ngón tay người lớn ghép lại, thân dẹt, có màu trắng bạc, vi đỏ quanh mồm mọc nhiều hạt trắng tròn. Cá niên có thịt trắng, thơm, không tanh, chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Du khách thích thú, tìm hiểu ẩm thực của người Bana Kriêm
Trong vô số các món ăn được chế biến từ cá niên, có lẽ đặc sắc nhất là cá niên nướng ăn kèm rau dớn luộc – món ăn độc đáo của vùng cao Bình Định. Vị béo, bùi, dai, thơm của thịt, giòn ngọt của xương và vị đắng nhân nhẫn của mật và ruột cá ăn cùng rau dớn rừng hơi nhơn nhớt làm cho những ai thưởng thức một lần nhớ mãi không quên. Món này nếu thưởng thức cùng bạn hữu ở nơi núi rừng, vừa có suối chảy róc rách vừa có tiếng chim hót vừa có gió rừng thổi mát rượi, thật tình rất dễ… xuất khẩu thành thơ.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: “Các món ăn đã phần nào đưa quý vị quan khách du lịch về thượng nguồn sông Kôn, ngược dòng lịch sử. Với mỗi món ăn là một hình ảnh đặc trưng tái hiện đời sống dựa vào thiên nhiên trải qua nhiều thế hệ của người Bana Kriêm nơi đây”. Theo bà Chung, huyện vùng cao Vĩnh Thạnh đang làm tốt công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể, cùng với đó người Bana Kriêm còn giữ đậm nét như lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, những bài hơamon, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, đàn tơrưng… Bởi vậy, tỉnh định hướng trong thời gian tới huyện vùng cao Vĩnh Thạnh phát triển du lịch cộng đồng, từ đó nâng cao sinh kế, tạo việc làm và cải thiện mức sống cho bà con nơi đây.
Phan Hiếu
Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.com.vn