Du khách quốc tế trải nghiệm làm hàng thủ công ở xứ Dừa. ảnh: Huyền Thu
Đến năm 2030 và 2045, DL thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển DL sinh thái miệt vườn kết hợp với nông nghiệp như tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, gắn với phát triển DL tỉnh đến năm 2030. Tổ chức sản xuất gắn với tổ chức lại dân cư nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, sạch, hữu cơ, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển DL cộng đồng. Có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình DL nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn.
Tập trung thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển DL. Nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm DL, trong đó tập trung triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ hoặc kết hợp phục vụ DL. Huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử để phát huy giá trị kết hợp khai thác phục vụ DL như Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre; Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu; di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam; di tích Kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ; di tích nơi ở và hoạt động của đại tá Phạm Ngọc Thảo; di tích lịch sử – văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa; xây dựng mới Bảo tàng Bến Tre…
Tập trung xây dựng các công trình công cộng đạt chuẩn, hiện đại như: trạm thông tin điều hành DL, trạm xe buýt, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe; nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú DL hiện có, phát triển hệ thống khách sạn tầm trung (1 – 3 sao), hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp (4 – 5 sao), phát triển dịch vụ homestay chất lượng cao, phù hợp với định hướng sản phẩm của từng địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các sản phẩm DL gắn với nông nghiệp; các hộ dân làm DL nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao chất lượng sản phẩm DL hiện có, đồng thời nghiên cứu xây dựng, mở thêm nhiều loại hình, sản phẩm DL mới mang nét đặc trưng, độc đáo riêng của từng đơn vị, địa phương nhằm tạo sự khác biệt của mỗi điểm đến, mỗi địa phương đảm bảo tính ổn định, bền vững và ngày càng phát triển. Đa dạng hóa sản phẩm DL trên nền tảng khai thác sản phẩm DL chủ đạo, mang nét riêng có của tỉnh gắn với liên kết, hợp tác vùng và khu vực. Tăng cường phát triển các sản phẩm, nâng cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đáp ứng yêu cầu thị trường. Phát triển loại hình DL nông nghiệp phải đảm bảo giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xây dựng thương hiệu DL và hợp tác, liên kết phát triển DL trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
N. Duy – H. Thu
Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn