Du khách quốc tế tham quan đường làng nông thôn ở xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Ảnh: CTV
Bến Tre là tỉnh được tạo thành và bao bọc bởi 4 con sông lớn thuộc hệ thống sông Mekong với 65km chiều dài đường bờ biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều bãi bồi, cồn nổi. Đồng thời, tỉnh cũng được phân bố trên 3 dải cù lao nằm ở cuối nguồn của hệ thống sông Mekong, trải rộng trên 3 vùng sinh thái gồm vùng ngọt ở thượng nguồn, vùng lợ ở khu vực trung tâm và vùng mặn ở cửa sông và ven biển. Với vị thế đó, nền sản xuất NN của tỉnh rất đa dạng, có vườn cây ăn trái phong phú, nhiều làng nghề sản xuất cây giống – hoa kiểng, nhiều làng nghề truyền thống và nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, con người hiền hòa và hiếu khách, nét văn hóa mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ. Cùng với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống và giao thông kết nối thuận lợi, NN tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phan Văn Trạng, toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề, trong đó, có 39 làng nghề NN, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định công nhận. Các làng nghề đang được quan tâm khai thác để phục vụ khách tham quan du lịch như: sản xuất cây giống – hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 154 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao với 105 chủ thể OCOP. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, trái cây sấy, mật ong, tôm khô, cá khô, rượu. Đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ dừa như kẹo dừa, dừa sấy, nước cốt dừa, nước màu dừa, mỹ phẩm từ dừa rất được sự quan tâm và đón nhận của du khách. Đặc biệt, trong năm 2022, ngành NN đã tham mưu UBND tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch gồm: dịch vụ lưu trú du lịch La Villa De CoCo của Công ty TNHH La Villa De CoCo thuộc xã Phú Túc, huyện Châu Thành và Nông trại Hải Vân – Sân chim Vàm Hồ của Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hải Vân thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri.
Trong vài năm gần đây, du lịch sinh thái NN tại tỉnh được quan tâm, phát triển với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đang được khai thác như: Du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, vườn dừa, vùng sản xuất cây giống – hoa kiểng, tham quan các mô hình NN ứng dụng công nghệ cao; du lịch trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng nông thôn tại nhà người dân; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Trong đó, du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng là một trong những loại hình du lịch NN được du khách quan tâm.
Ở tỉnh, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với diện tích đất có rừng khoảng 4.224ha, tập trung tại các xã thuộc 3 huyện là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong rừng. Vùng ven biển của tỉnh có những bãi biển mang nét nguyên sơ, có các cồn và rừng ngập mặn, hệ thống sông rạch chia cắt tạo nên các cồn phía trong tạo ra khung cảnh thiên nhiên đẹp mắt. Với không gian yên tĩnh, không khí trong lành, người dân địa phương hiếu khách cùng nhiều sản vật địa phương cung cấp tại chỗ cho du khách như: tôm, cua, cá, hàu, sò, trái cây. Tỉnh hứa hẹn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên rừng ngập mặn, trải nghiệm các hoạt động giải trí như: câu cá, bắt nghêu, mò sò huyết, câu cua, chèo xuồng, tìm hiểu văn hóa địa phương và hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho những nhà khoa học, học sinh, sinh viên có đam mê nghiên cứu về đất ngập nước.
Phát triển du lịch sinh thái là đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Đây đang là xu thế phát triển của ngành du lịch nói chung; đồng thời cũng là xu hướng của khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay, ngành NN đang xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng giai đoạn năm 2022 – 2030” nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có về cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái rừng, biển, di tích lịch sử… tại một số xã thuộc 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia sau khi đề án hoàn thành. |
Hoàng Phương
Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn