Bến Tre: Hình thành chuỗi giá trị du lịch gắn với ngành nông nghiệp

Bến Tre là tỉnh nằm ở đồng bằng hạ nguồn sông Mekong, thuộc cụm liên kết phát triển du lịch duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An; được thiên nhiên ưu đãi, có hệ thống kênh rạch, sông nước hữu tình, miệt vườn trù phú, nhiều làng nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, con người đôn hậu và mến khách.


Thu hoạch tôm biển ở huyện Bình Đại. Ảnh: CTV

Tiền năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp

Toàn tỉnh hiện có 50.000ha đất tiềm năng nuôi thủy sản, hiện nay đã khai thác được 46.500ha nuôi, với sản lượng hàng năm đạt hơn 250 ngàn tấn. Các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là: tôm nước lợ (tôm chân trắng, tôm sú), nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu), cá tra, tôm càng xanh, cá điêu hồng, cua biển. Hình thức nuôi đa dạng, phong phú, đặc biệt là các hình thức nuôi có thể kết hợp du lịch (DL) như nghêu, tôm rừng, tôm lúa, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, cá tra.

Bến Tre còn là địa phương đứng thứ ba ở ĐBSCL về cây ăn trái, với diện tích gần 28 ngàn ha, sản lượng đạt trên 335 ngàn tấn/năm. Tỉnh cũng là một trong những địa phương có đủ 12 loại cây ăn trái được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh và rải vụ. Với thế mạnh về cây ăn trái của tỉnh là sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, được đưa lên bàn ăn ngay tại khu DL đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức. Từ đó, giá trị nông sản bán ngay tại chỗ với giá cao hơn nhiều lần so với trước đây. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ trên cây dừa với diện tích 8.691,3ha; trong đó có 3.786,8ha đã được chứng nhận dừa hữu cơ.

Bên cạnh đó, nghề sản xuất cây giống – hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách đã được nhân rộng và phát triển, trở thành nơi cung cấp và sản xuất cây giống – hoa kiểng rất nổi tiếng ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, tổng số hộ sản xuất, kinh doanh cây giống toàn tỉnh là hơn 8.000 nông hộ với khoảng 1.650ha, cung ứng trên 40 triệu sản phẩm.

Toàn tỉnh có 7.900 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Lách (6.420 hộ, chiếm 81,1%) và một số huyện khác như: Mỏ Cày Bắc (605 hộ, chiếm 7,6%), Mỏ Cày Nam (441 hộ, chiếm 5,6%)… Hàng năm, huyện Chợ Lách cung ứng cho thị trường từ 15 – 18 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, chủ yếu là hoa giấy, tắc kiểng, mai vàng, hoa treo, kiểng lá, hoa cắt cành, bonsai và kiểng thú.

Tỉnh đã thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, đây là hướng phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới. Với hơn 9.869,85ha cây ăn trái, cây dừa và thủy sản được công nhận GAP; có 9 cơ sở vùng trồng đã được cấp mã Trung Quốc và 22 cơ sở vùng trồng đã được cấp mã châu Âu; có tổng số 33 cơ sở đóng gói, trong đó có 31 cơ sở đóng gói đã được cấp mã Trung Quốc và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã châu Âu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH TM DV XNK Vina T&T. Các tổ chức này mang lại cho tỉnh những lợi thế rất lớn về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm cũng như việc duy trì vùng sản xuất nông nghiệp đã được chứng nhận.

Phát triển du lịch miệt vườn

Những năm gần đây, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và nhân dân, tỉnh đã xây dựng nhiều công trình, dự án quy mô lớn, cải tạo đất đai nhằm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên bản địa có hiệu quả hơn, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ổn định sinh kế người dân. Liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL và các vùng lân cận những năm gần đây đã tạo tiền đề cho DL phát triển. Giao thông kết nối giữa Bến Tre với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ngày càng thuận lợi để Bến Tre vừa là điểm đến, vừa là điểm dừng chân của du khách. DL phát triển đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bến Tre.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng lượng khách DL đến tỉnh tăng bình quân 17%/năm. Tỉnh đang khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm DL như: tham quan các vườn dừa, vùng sản xuất cây giống – hoa kiểng, vườn cây ăn trái; DL trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng nông thôn tại nhà người dân; DL nông nghiệp công nghệ cao; DL biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; tham quan và trải nghiệm nghề và các làng nghề truyền thống; thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với dừa…

Thời gian qua, ngành DL tỉnh cũng đã phối hợp các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho các điểm DL kết nối với các công ty lữ hành như tổ chức nhiều cuộc khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các cơ quan báo, đài để xây dựng, quảng bá các tuyến, điểm DL kết hợp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức cho các hộ dân làm DL nông nghiệp, DL cộng đồng tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình DL thành công trong và ngoài tỉnh.

Các điểm đến cho du khách tham quan trải nghiệm DL nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú như: Mô hình vườn dưa lưới và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại Phú An Khang; DL “Nông trại Hải Vân – Sân chim Vàm Hồ”; tham quan trải nghiệm và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp sạch tại Ben Tre Riverside Garden, Forever Green Resort; tham quan các vườn cây trái, hoa kiểng ở Chợ Lách; khu nông trại Người giữ rừng ở huyện Bình Đại và một số cơ sở nuôi thủy hải sản… Loại hình DL homestay thời gian qua cũng phát triển khá nhanh, toàn tỉnh hiện có 41 homestay tập trung ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm và TP. Bến Tre, với sức chứa trên 1.000 khách.

Tỉnh cũng đang khai thác các tuyến tham quan DL gắn với các điểm đến DL cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp, hiện có 5 tuyến DL chính đang được khai thác như: Tuyến DL sinh thái Chợ nổi dừa – sông Thom; tuyến DL sinh thái 3 xã phía Nam TP. Bến Tre; tuyến sinh thái 8 xã ven sông Tiền, huyện Châu Thành (Mekong Tour); tuyến DL về nguồn và sinh thái 3 huyện (Mỏ Cày Bắc – Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú; tuyến DL về nguồn Giồng Trôm – Ba Tri – Bình Đại.

Nhất Duy – Huyền Thu
Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn