Bạc Liêu: Tìm hướng mở cho các làng nghề truyền thống

Cùng với các địa phương khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bạc Liêu có khá nhiều làng nghề truyền thống. Không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời ở vùng nông thôn, các làng nghề truyền thống còn tham gia giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho những lao động yếu thế. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, làng nghề truyền thống ở Bạc Liêu đang phải đối mặt với nhiều thách thức.


Làng nghề rèn ở huyện Hồng Dân.

LÀNG NGHỀ TEO TÓP

Với điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL, các nghề truyền thống như rèn, dệt chiếu, làm bánh tráng, mộc, đan đát, chằm lá, sản xuất muối… đã phổ biến trong các vùng nông thôn Bạc Liêu, qua thời gian sản xuất tập trung đã hình thành nên các làng nghề truyền thống. So với các thành phần kinh tế khác, những nghề truyền thống sử dụng nhiều thợ thủ công và lao động thời vụ, vì vậy đã giải quyết tốt bài toán lao động nhàn rỗi cho phụ nữ nông thôn, người già, thậm chí là trẻ em hay người khuyết tật (đặc biệt là trong nghề đan đát), giúp nông dân ly nông nhưng không ly hương và làm giàu trên quê hương của mình. Đồng thời, làng nghề còn được xem là “thành trì” trong việc giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định công nhận 10 làng nghề ở các lĩnh vực như: đan đát, mộc, dệt chiếu, rèn, sản xuất muối… nhằm mục tiêu khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các làng nghề này đã tham gia giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 1.430 hộ ở nông thôn.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề hiện nay đã không còn bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại. Khảo sát ở các làng nghề truyền thống còn lại đến nay cho thấy, quy mô các làng nghề ngày càng nhỏ dần và có nguy cơ mất đi khi phần lớn lao động bỏ nghề và xa xứ mưu sinh. Một số địa phương đã xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nghề truyền thống với kỳ vọng vực dậy các làng nghề, tuy nhiên vẫn chưa tạo ra những “cú hích” đủ mạnh để vực dậy các làng nghề mà nghề đan đát là một điển hình.

Ở làng nghề đan đát thuộc ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), có nhiều gia đình gắn bó với nghề và xây dựng được HTX (HTX Trúc Xanh). Thế nhưng, đến nay chỉ có khoảng 90 hộ còn gắn bó với nghề so với hơn 500 hộ trước đây. Bà Trương Thị Liễu – thành viên của HTX Trúc Xanh đã gắn bó với nghề đan đát hơn 20 năm, cho biết: “Với một lao động có tay nghề giỏi thì mỗi ngày đan cần xé cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng. Trong vài năm trở lại đây, sản phẩm làm ra gặp khó về tiêu thụ nên nhiều hộ đã bỏ nghề và lên thành phố lao động kiếm sống”.


Làng nghề đan đát truyền thống ở xã Vĩnh Phú Đông.

Ông Trần Thanh Khương – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông, cho biết: “Sở dĩ làng nghề gặp khó khăn là do sản phẩm làm ra còn đơn điệu, mẫu mã chậm đổi mới và không bắt kịp nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của sản phẩm còn rất thấp và người dân làng nghề còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư để mở rộng quy mô”.

Không chỉ có nghề đan đát ở Phước Long, nhiều làng nghề khác ở huyện Hồng Dân cũng trong tình trạng “teo tóp” khi lửa từ các lò bánh tráng, lò bún, lò rèn… đã không còn cháy rực như xưa. Sự mai một này đã đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị ở vùng nông thôn. Bởi sự tồn tại của các làng nghề truyền thống không đơn giản là giải bài toán thu nhập, mà còn là việc giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, của dân tộc đến thế hệ sau…

CẦN “CÚ HÍCH” MỚI CHO CÁC LÀNG NGHỀ

Có thể nói, một trong những khó khăn trong lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống hiện nay chính là nhiều làng nghề chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu tiếp thị, quảng bá, cũng như chưa nghiên cứu sáng tạo thêm các sản phẩm mới từ thế mạnh của mình. Sản phẩm làm ra lại trải qua nhiều khâu trung gian, làm cho lợi nhuận thu về thấp và không còn hấp dẫn người lao động tham gia.

Đáng quan tâm nữa là trình độ quản lý sản xuất của người lao động ở các làng nghề còn rất hạn chế và chưa có khả năng quản lý tốt các quy trình từ khâu đầu vào đến đầu ra. Lao động qua đào tạo còn thấp và chủ yếu là truyền nghề, chưa phù hợp với tác phong công nghiệp, sản xuất còn phân tán, theo thời vụ và sản phẩm làm ra thiếu những định hướng về thị trường. Mặt khác, với công nghệ thủ công, thiết bị lạc hậu, các làng nghề cũng chưa đào tạo được thợ chuyên sâu về ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Trong khi đó, việc hỗ trợ vốn cho phát triển ngành nghề TTCN và các làng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất do thiếu tài sản thế chấp.


Làng nghề sản xuất muối ở huyện Đông Hải. Ảnh: K.T

Để giải quyết những vấn đề khó khăn trên, rất cần các chính sách tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Nhất là phát huy vai trò của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề bằng các chính sách thông thoáng, dễ tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, giúp đỡ giải quyết ô nhiễm môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng… Với bản thân các làng nghề phải tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ như: tre, trúc, lát, tầm vông, phụ phẩm từ các cây thân gỗ… để giảm chi phí, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đa dạng hóa về mẫu mã và bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

Song, giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài hơn cả vẫn là gắn làng nghề với phát triển du lịch nông thôn. Bài học thành công này đã được áp dụng ở nhiều địa phương khi làng nghề trở thành các sản phẩm du lịch đặc thù mà ở khu vực ĐBSCL, làng nghề hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) là minh chứng cho thành công này. Không chỉ thu hút cả triệu du khách đến tham quan vào mỗi dịp tết đến, làng nghề này đã góp phần cho ngành Du lịch của địa phương kiếm doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ các mô hình du lịch cộng đồng.

Phát triển và lưu giữ các làng nghề truyền thống tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu đã bắt đầu quan tâm đến việc khai thác giá trị các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Mô hình này tuy mới triển khai nhưng hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới cho các làng nghề mà trong năm 2025, sự kiện Festival nghề Muối sẽ là một “cú hích” cho các làng nghề trong việc tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và khai thác thêm nhiều giá trị gia tăng từ làng nghề.

Giám đốc Sở Công thương – Trần Thanh Mến: Đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các làng nghề nông thôn

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, Sở Công thương sẽ hỗ trợ và khuyến khích các các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, giới thiệu và quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước về khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất làng nghề công nghiệp, TTCN, các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, huyện để mọi tổ chức, cá nhân biết tham gia thực hiện.

Cùng với đó, để tìm được đầu ra cho sản phẩm thì các làng nghề cần phải biết kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn của quá trình sản xuất. Đồng thời, vẫn phải kế thừa kinh nghiệm trong quy trình chế tác ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng của sản phẩm. Từ đó có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống. Song song đó, các làng nghề cần chú trọng việc khuếch trương thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, nhất là tranh thủ quảng bá trên các trang điện tử, mạng xã hội…

Đặc biệt, gắn phát triển du lịch với làng nghề sẽ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững. Vì không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề. Do đó, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các làng nghề nông thôn. Hỗ trợ 100% vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề để từ đó tạo điều kiện cho công nghiệp nông thôn phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) – Trần Anh Khiêm: Mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Xã Vĩnh Phú Đông có một làng nghề truyền thống đan đát được hình thành từ lâu và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận vào năm 2009, tọa lạc tại ấp Mỹ 1. Tuy nhiên, thời gian qua với sự phát triển của mặt hàng nhựa, sản phẩm của làng nghề đã dần mai một và người dân chủ yếu làm theo đơn đặt hàng với số lượng không lớn, đầu ra khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh… dẫn đến kinh tế của người dân làng nghề hết sức khó khăn.

Xuất phát từ tình hình trên, để củng cố và phát triển làng nghề, UBND xã chỉ đạo thành lập 1 HTX làng nghề (HTX Trúc Xanh), với 19 thành viên để quản lý, tổ chức sản xuất hoạt động và phát triển làng nghề. Ngoài sản phẩm chủ đạo của làng nghề hiện nay là cần xé, xã còn vận động các thợ thủ công phát triển thêm một số sản phẩm mới, nhất là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ gắn với định hướng phát triển du lịch. Trên cơ sở Kế hoạch 90 của UBND huyện Phước Long “về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn huyện Phước Long”, trong đó có giải pháp về củng cố, phát triển làng nghề truyền thống đan đát tại ấp Mỹ 1, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã xây dựng và ban hành Kế hoạch 31 “về củng cố, phát triển làng nghề đan đát truyền thống ấp Mỹ 1 gắn với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn xã”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện nay xã đã và đang tích tập trung tổ chức các lớp tập huấn đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo hướng tạo ra những sản phẩm tinh xảo phục vụ phát triển du lịch, làm hàng trang trí nội thất và quyết tâm xây dựng nên những sản phẩm đặc thù từ nghề đan đát truyền thống. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá mặt hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Xây dựng cổng làng nghề, nhà trưng bày, nhà trải nghiệm và tập trung chỉnh trang diện mạo, cảnh quan môi trường làng nghề. Xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu, xây dựng một số điểm dừng chân, hướng đến phát triển du lịch nông thôn tại làng nghề và phục vụ khách tham quan trong thời gian tới…

Kim Trung
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn