Bạc liêu: Để khách tìm về du lịch miệt vườn

Nói du lịch miệt vườn, đôi khi cũng không cách xa thị thành cho lắm. Chỉ cần bài trí một không gian xanh với những góc view đậm chất thôn dã thì người ta đã mặc định đến đó là tìm về miệt vườn. Tuy vậy, bên cạnh phần “ngoại hình”, còn khá nhiều việc phải quan tâm. Du lịch miệt vườn muốn níu chân du khách thì rất cần những cách làm để giữ đúng đặc trưng, bản chất.


Trò chơi đuổi bắt vịt cho trẻ em vui chơi tại điểm du lịch The rice farm. Ảnh: L.N

Đồng quê giữa phố

Là người thích “di chuyển”, chị Nguyễn Lê (Phường 2, TP. Bạc Liêu) chuyên “sưu tầm” những điểm du lịch gần xa để thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Chị cũng muốn con mình được trải nghiệm những không gian du lịch khác nhau để nạp năng lượng sau những giờ học hành. Và trong danh sách của chị, điểm du lịch The rice farm (Phường 7, TP. Bạc Liêu) đã được chọn đến khá nhiều lần.

Không quá cách biệt với nội ô, thế mà có một không gian đồng quê chính hiệu được bày ra ở đó với đủ trò cho trẻ con mê. Nơi này luân phiên tổ chức các trò chơi như đuổi bắt vịt, nhảy bao bố, ném lon… Đối với các trẻ nhỏ ít có dịp tham gia những hoạt động ở nông thôn như con chị Lê, việc trực tiếp được tát mương bắt cá, rồi sau đó còn tự tay làm món cá lóc nướng trui bằng cách đốt rơm, thì chắc chắn là một trải nghiệm thú vị vô cùng!

Du lịch nông nghiệp, nông thôn như cách làm trên đã góp phần đưa “sản vật” nông nghiệp, những nét văn hóa, sinh hoạt cộng đồng đặc trưng nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch. Những điểm du lịch xanh, du lịch sinh thái ở Bạc Liêu hiện nay đa phần còn ở quy mô kinh doanh nhỏ, nhưng với không gian mở, du khách đã được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, tham gia những trò chơi, sinh hoạt, giao lưu nghệ thuật (chủ yếu là đờn ca tài tử, vọng cổ), được tiếp cận văn hóa truyền thống ở làng quê…

Từ đó, không chỉ là mô hình góp phần phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương nói chung, du lịch miệt vườn còn góp phần nâng cao ý thức về gìn giữ, phát huy phong tục tập quán, bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn.


Giao lưu đờn ca tài tử phục vụ khách tại khu sinh thái ẩm thực Cánh đồng Cậu Ba (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

Giữ môi trường trong lành

Bên cạnh những mô hình tạo sức hút, thì cũng có không ít phàn nàn từ phía du khách đối với một số điểm được “gắn mác” là du lịch sinh thái hiện nay. Đó là những điểm du lịch kiêm kinh doanh phục vụ tiệc tùng, họp mặt, rồi trang bị thêm những thùng âm thanh để đờn ca lúc “trà dư tửu hậu”. Điều đáng nói, khi những điểm này tọa lạc ở những xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, NTM nâng cao lại có vài “chi tiết” tạo nên những điểm trừ! Đó là khi “rượu vào lời (ca hát) ra” đã vô hình trung tạo ra một không gian âm thanh ồn ào, hỗn tạp làm nhạt đi giá trị của “kiểu mẫu, nâng cao” như chủ trương xây dựng NTM hiện nay!

Bên cạnh đó, việc giữ được môi trường trong lành của làng quê, của NTM nên được quan tâm nhiều hơn khi xây dựng những điểm khu du lịch miệt vườn. Đó phải là môi trường “sạch” về âm thanh (không quá ồn ào, hay ca hát quá giờ quy định…), là môi trường không rác thải bừa bãi. Không ít điểm đến, khi du khách tham quan, “check-in” xong các kiểu thì bỏ lại những vườn hoa xơ xác, trơ cành trụi lá hoặc bừa bãi với những bọc xốp, chai nhựa. Ý thức của khách và sự giữ gìn môi trường của chủ đều cần thiết như nhau để giữ được môi trường trong lành, để du lịch “xanh” đúng nghĩa xanh! Ngoài ra còn là đồng loạt nhiều giải pháp như nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, bổ sung phù hợp các hoạt động trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn liền với thiên nhiên, cập nhật xu hướng du lịch mới…

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”. Ở tầm xa hơn, ngành Du lịch khi phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc; hình thành sản phẩm mới gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm cho du khách… thì mới tận dụng và phát huy loại hình du lịch giàu tiềm năng này. Đối với những điểm, mô hình tự phát, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở để đảm bảo tránh tình trạng vi phạm về ô nhiễm môi trường, làm phá vỡ quy hoạch chung…

Bày một không gian xanh mướt để thu hút khách là bước đầu, chuyện tiếp theo là những dịch vụ, món ăn đặc trưng thôn dã, đồng quê. Và chuyện nhỏ nhưng không thể bỏ qua là gìn giữ không gian trong lành, đúng bản chất của đồng bưng, miệt vườn thì mô hình này mới thu hút du khách lâu bền.

Cẩm Thúy
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn