Điểm du lịch cộng đồng Bản Ven (huyện Yên Thế) là sản phẩm: “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” đầu tiên của Bắc Giang đạt OCOP 3 sao.
Tiềm năng lớn
Hết năm 2023, Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó, lần đầu tiên tỉnh có 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao. Đáng chú ý, có 03 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, gồm: Điểm Du lịch Làng Văn hóa Đông Bắc; Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên của huyện Lục Ngạn và Điểm du lịch cộng đồng Bản Ven của huyện Yên Thế.
Với kết quả đạt được, Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước.
Cuối năm 2023, điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên của huyện Lục Ngạn đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, điều kiện của từng vùng, Bắc Giang đã chỉ đạo, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng khai thác và phát triển nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống gắn với nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án,… để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang hiện có 16 khu, điểm du lịch nên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với 3 loại hình du lịch chính gồm: Văn hóa tâm linh; lịch sử – văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang,…
Đặc biệt, tỉnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm khai thác tối đa giá trị sản phẩm OCOP địa phương.
Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND các huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Sơn Động khảo sát thực hiện dự án thí điểm phát triển mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên; khảo sát, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tại Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên (HTX du lịch Đồng Dao), Điểm du lịch làng văn hóa Đông Bắc (HTX dịch vụ du lịch làng văn hóa Đông Bắc) trên địa bàn huyện Lục Ngạn (2 điểm du lịch trên đã được công nhận OCOP 3 sao); khu du lịch sinh thái Khe Rỗ huyện Sơn Động.
Xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn
Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP ngày 14/4/2023 Phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (đợt 2), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tân Yên cùng các HTX, tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức rà soát, thống nhất các nội dung thực hiện để xây dựng Mô hình phát triển sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương.
Qua đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2601/UBND-NN ngày 18/5/2023 về việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Mô hình phát triển sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương. Theo đó, UBND huyện Tân Yên tập trung chỉ đạo, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; xây dựng kế hoạch tổng thể các nội dung cần thực hiện để đảm bảo đạt sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch vào năm 2025; thực hiện các trình tự, thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành, đảm bảo các điều kiện cần thiết thực hiện lập dự án/kế hoạch thực hiện mô hình. Hiện nay, mô hình vẫn đang được huyện Tân Yên và các cơ quan chức năng triển khai theo tiến độ đề ra.
Đánh giá về sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch Bắc Giang đạt đượcthời gian qua, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Bá Thành, hết năm 2023, Bắc Giang có 03 điểm du lịch được đánh giá, phân hạng đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là sản phẩm đặc thù với thời gian hoàn thiện sản phẩm dài, tỷ suất đầu tư lớn, nhiều tiêu chí đánh giá có tính minh chứng cao với hệ thống giấy phép, chứng chỉ đào tạo, điều kiện an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tính liên kết khu vực, cộng đồng cao, trong khi các chủ thể phần lớn phát triển sản phẩm du lịch của mình dưới dạng tự phát, đầu tư theo từng giai đoạn và thiếu những kế hoạch, chiến lược phát triển, do đó, các minh chứng này khi đánh giá phân hạng cần theo hướng mở, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh của chủ thể.
Thời gian tới, Bắc Giang xác định, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phấn đấu có nhiều hơn sản phẩm 5 sao cấp quốc gia và sản phẩm điểm du lịch dịch vụ; thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu cho phát triển sản phẩm OCOP gắn với chế biến sâu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu tập thể, bao bì sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản qua nền tảng online và sàn thương mại điện tử.
Hoàng Văn
Tạp chí điện tử Kinh tế nông thôn – kinhtenongthon.vn