Bắc Giang: Khai thác phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn

Bắc Giang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của tổ quốc Việt Nam, có địa hình phong phú, đa dạng và là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hoá, vùng đất được ví là phên dậu, là tứ trấn trọng yếu của kinh thành thăng Long xưa với những chiến công vang dội mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Bắc Giang có hệ thống giao thông thuận lợi với đường bộ, đường sắt, đường thuỷ tới thủ đô Hà Nội, gần sân bay quôc tế Nội Bài, cảng biển quốc tế Hải Phòng đây là những điều kiện thuận lợi để Bắc Giang giao lưu văn hoá và phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh và các nước trong khu vực. Bắc Giang có tiềm năng du lịch phong phú đa dạng bao gồm một số khu, điểm du lịch văn hoá và sinh thái đặc trưng như: chùa Vĩnh Nghiêm, đình Thổ Hà, cụm di tích Tiên Lục, đình Lỗ Hạnh, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, Thành Xương Giang, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, Rừng Nguyên sinh Khe Rỗ… Đặc biệt đến với Bắc Giang là du khách đến với miền quê yên bình với  những trang trại trồng cây ăn quả ngút ngàn tầm mắt, được hoà mình vào thiên nhiên hoang sơ  với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Với những điều kiện ấy góp phần cho Bắc Giang có một tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế du lịch đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn.

 Trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng với nhiều loại hình du lịch trong đó du lịch sinh thái miệt vườn thăm các vườn cây ăn quả là một trong những nhu cầu mới của khách du lịch. Bắc Giang với thuận lợi là một tỉnh miền núi với khí hậu đất đai thích hợp với nhiều loại cây ăn quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về trồng cây ăn quả đang chiếm một vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, giúp cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tỉnh Bắc Giang có khoảng 50.000ha cây ăn quả, trong đó diện tích vải thiều chiếm gần 40.000ha. Diện tích còn lại là các loại cây ăn quả khác như hồng, nhãn, na, dứa, xoài, cây có múi…  Theo thống kê, giá trị thu nhập từ cây ăn quả bình quân hàng năm chiếm 13% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Bắc Giang xác định vùng trong điểm bao gồm các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên. Theo đó nhiệm vụ phát triển vùng cây ăn quả hàng hoá, mà trọng tâm là cây vải thiều.

Hiện nay trên địa bàn huyện Lục Ngạn có diện tích trồng vải thiều lớn nhất cả nước, tổng diện tích vải thiều toàn huyện là hơn 17,3 nghìn ha. Diện tích vải thiều áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hơn 13,3 nghìn ha Ước có khoảng 230 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm vào mùa vải chín. Trong những năm qua  công tác sản xuất, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Đồng thời xúc tiến tiêu thụ vải thiều đến các thị trường trong và ngoài nước. Các sự kiện du lịch được đổi mới, tạo sức lan tỏa, qua đó góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu và tạo dấu ấn tốt đẹp về vùng đất, con người Lục Ngạn…

Quả vải thiều là đặc sản nổi tiếng của Lục Ngạn, khi chín có màu đỏ, hạt nhỏ, cùi dày nhiều nước, rất ngọt và giàu chất dinh dưỡng. Ăn có vị ngọt sắc, mùi thơm đặc trưng, quả vải có màu đỏ tươi, nhiều cùi, hạt nhỏ, ngọt Những quả vải tươi ngon được khắp nơi trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Không chỉ thế bà con nông dân còn chế biến vải sấy khô – giá trị rất cao. Vải sấy khô vừa để mọi người ưa thích vải thưởng thức quanh năm vừa làm vị thuốc rất tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt các nhà kinh doanh còn dùng vải chế biến thành rất nhiều sản phẩm khác nữa như: Vải tươi đóng hộp, nước vải,…để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Khi đến đây vào  mùa vải chín, khoảng tháng 5 đến tháng 7 dương lịch, du khách sẽ được tận hưởng không gian của “vương quốc vải thiều” đây là lúc mà hình ảnh Lục Ngạn đẹp nhất. Tại đây dù đứng ở bất cứ nơi đâu khi phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy những chùm vải lúc lỉu chín đỏ rực cả một góc trời… Một nét đẹp văn hóa nơi đây là mọi nhà đều mang những chùm vải đầu tiên chín đỏ điểm vài chiếc lá xanh đặt lên bàn thờ tổ tiên báo với các cụ tổ tiên rằng một vụ vải mới đang đến. Cây vải đã đem lại giá trị kinh tế rất cao, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Đến với Lục Ngạn ngày nay du khách không chỉ được thăm quan những vườn vải ngút ngàn tầm mắt mà còn đươc tham quan trải nghiệm với nhiều vườn cây ăn trái đa dạng như: nho, ổi, bưởi, cam, hồng táo….Đặc biệt là vào mùa cam bưởi khoảng tháng 11 đến tháng 1 dương lịch hàng năm du khách từ khắp nơi đổ về để được tham quan mua những trái cam, bưởi trực tiếp tại vườn và checkin những bức ảnh làm kỷ niệm. Tại huyện Lục Ngạn hiện nay đã có trên10 hợp tác xã du lịch luôn  sẵn sàng phục vụ du khách đến thăm quan các điểm du lịch và vùng cây ăn quả…

Trong hành trình thăm quan vùng trồng ăn quả du khách có thể kết hợp ghé thăm các khu, điểm du lịch sinh thái đặc trưng của huyện Lục Ngạn như Hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, Bản Bắc Hoa, Làng Văn hóa vùng Đông Bắc, điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên hay điểm du lịch hoa quả sơn đây là những điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua. Đặc biệt là hồ Cấm Sơn có có diện tích mặt nước lớn và  phong cảnh đẹp của Bắc Giang. Hồ rộng khoảng 2.600 ha với nhiều đảo nhỏ được bao bọc bởi những ngọn núi điệp trùng tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, nơi đây được ví như Hạ Long thu nhỏ. Thấp thoáng trên hồ còn có những đồi vải thiều đỏ rực.  Đến đây du khách được cảm nhận sự hùng vĩ, sự hoang sơ, bầu không khí trong lành của vùng đồi rừng Lục Ngạn.

Bên cạnh đó hiện nay Tân Yên có gần 3.600 ha cây ăn quả. Với vải thiều toàn huyện có 1.300 ha vải an toàn, riêng diện tích vải chín sớm là 1.030 ha, trong đó nằm trong vùng sản xuất tập trung trên 800ha  với 350 ha đạt tiêu chuẩn VietGap. Với diện tích cây ăn quả khá lớn không chỉ mang lại cho nông dân Tân Yên  nguồn thu lớn mà còn là tiềm năng để huyện xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng theo hướng trải nghiệm vườn cây ăn trái, kết hợp tham quan thắng cảnh như di tích Đền Dành, Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, các điểm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên địa bàn.

Với những tiềm năng và lợi thế về các vùng cây ăn quả đặc trưng, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch trong nước để xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên..  Từ đó kết hợp xây dựng các tour trong nội tỉnh đưa  du khách đến thăm quan một số khu điểm du lịch cuả Bắc Giang như: Chùa Vĩnh Nghiêm – Suối Mỡ – Hồ Cấm Sơn – Vườn cây ăn quả của Lục Ngạn…. Qua đó nhằm góp phần khai thác các điểm đến tại các khu vườn cây ăn quả để từng bước xây dựng sản phẩm thượng hiệu cho loại hình du lịch nông nghiệp nông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trong tương lai không xa du khách đến với Bắc Giang không những chỉ biết đến qua hệ thống di sản văn hóa đặc sắc mà du khách còn biết đến Bắc Giang với loại hình du lịch nông nghiệp thôn với không gian đặc trưng riêng hấp dẫn du khách gần xa.

Văn Dương
mybacgiang.vn