Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri
Cùng dự có đại diện Ban Kinh tế – Ngân sách (HĐND tỉnh); lãnh đạo một số sở, UBND huyện, TP và chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực của các chủ thể.
Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 255 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (gồm 31 mặt hàng đạt 4 sao còn lại 3 sao). Đặc biệt, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia là Vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn). Các sản phẩm mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề.
Tuy vậy, quá trình xây dựng sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lần này nhằm lắng nghe các ý kiến đề xuất từ các chủ thể. Trên cơ sở đó sẽ xem xét ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP thời gian tới. Hiện nay, dự thảo đang được Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tham mưu.
Kiến nghị đơn giản thủ tục, rõ cơ chế hỗ trợ
Tại đây, 11 ý kiến của chủ thể và đại diện cơ quan chuyên môn các huyện tập trung làm rõ những lợi ích thiết thực khi tham gia chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nâng cao vị thế của nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, quy trình công nhận nên một số chủ thể sản phẩm có xu hướng không tiếp tục tham gia đánh giá lại. Nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm phụ thuộc vào nguồn kinh phí của các huyện, TP nên có huyện hỗ trợ có huyện lại không. Kinh phí để sản phẩm nâng hạng lớn trong khi việc tiếp cận vốn ưu đãi còn hạn chế.
Ông Dương Văn Hiếu, đại diện HTX Nông nghiệp sạch Bảo Sơn (Lục Nam) kiến nghị có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các sản phẩm OCOP
Ông Dương Văn Hiếu, đại diện HTX Nông nghiệp sạch Bảo Sơn (Lục Nam) cho biết: Năm 2020, sản phẩm Rượu Bảo Sơn được chứng nhận OCOP 3 sao, thời gian công nhận là 3 năm. Đến nay, đơn vị đang chuẩn bị hồ sơ để đánh giá lại với mục tiêu nâng hạng.
Theo quy định mới, để sản phẩm đạt 4 sao cần chi phí đầu tư lớn mới đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc như: Đổi mới bao bì, kiểm nghiệm, giấy phép sản xuất, đánh giá tác động môi trường… trong khi sản phẩm rượu thuộc lĩnh vực công thương hiện vẫn chưa được hưởng hỗ trợ vay vốn ưu đãi (mới có chính sách tín dụng ưu đãi đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản).
Ông Hiếu đề nghị tỉnh, các ngành quan tâm, có chính sách tín dụng ưu đãi dành áp dụng chung cho sản phẩm đã được chứng nhận 3 sao trở lên. Các ngân hàng có mức vay ưu đãi dài hạn để chủ thể có đủ năng lực về tài chính yên tâm đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện HTX Tiêu thụ vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên) cho biết, năm 2023, HTX đã ký kết với các HTX, doanh nghiệp khác tiêu thụ hơn 3 nghìn tấn vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ… Vải thiều sớm Phúc Hòa có thời gian thu hoạch ngắn trong khi mỗi lần làm hồ sơ, thủ tục mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động sản xuất. Vì vậy đề nghị thời gian công nhận sản phẩm 3 sao nên kéo dài lên 4 hoặc 6 năm thay vì 3 năm như hiện nay.
Đa số đại biểu đồng tình với mức thưởng là 50 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 150 triệu đồng sản phẩm 4 sao và 300 triệu đồng với sản phẩm đạt 5 sao (bao gồm sản phẩm mới và sản phẩm tham gia đánh giá lại nhưng chưa từng nhận hỗ trợ). Để tránh trường hợp sản phẩm tham gia đánh giá lại vẫn giữ nguyên hạng sao hoặc tham gia chỉ để hưởng hỗ trợ, một số đại biểu kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung tiêu chí mang tính ràng buộc như phải nâng sao mới được hưởng hỗ trợ.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đánh giá cao các ý kiến của các chủ thể. Đồng thời khẳng định những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; tạo cơ chế thuận lợi cho các HTX, DN.
Để đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết phát triển theo hướng xây dựng chuỗi giá trị, gia tăng giá trị sản phẩm, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cơ sở để kịp thời ban hành chính sách đặc thù kích cầu sản xuất.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành phát biểu tại hội nghị
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung làm rõ thêm các nội dung dự thảo bảo đảm đúng quy định của pháp luật và thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Sở Tài chính xem xét cân đối nguồn lực đáp ứng kịp thời khi Nghị quyết được ban hành. Đề nghị Ban kinh tế – Ngân sách phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự thảo; thực hiện thẩm tra các nội dung theo quy định trước khi trình tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm xem xét, thông qua.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP
Nhân dịp này, đồng chí Lâm Thị Hương Thành biểu dương, đánh giá cao tinh thần vượt khó vươn lên của các hộ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các chủ thể có sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao.
Đồng chí mong muốn các chủ thể tiếp tục là “người truyền lửa” cho lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc phát triển thêm các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để vươn tới nhiều thị trường.
Tin, ảnh: Mai Toan
Báo Bắc Giang – baobacgiang.com.vn