Ba Bể Green homestay nằm ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, nơi đây có ngôi nhà sàn vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa người Tày. Từ khi có chủ trương phát triển mô hình du lịch cộng đồng, các phòng nghỉ phục vụ khách du lịch được đầu tư khang trang, cảnh quan cây xanh được chăm sóc cẩn thận cùng với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao.
Theo anh Đồng Văn Hoán, chủ cơ sở Ba Bể Green homestay, cơ sở đã chủ động xây dựng các tour, tuyến và tư vấn cho khách du lịch, trong đó tập trung vào các dịch vụ như: Trải nghiệm văn hóa thông qua thưởng thức văn nghệ hát Then, đàn Tính do đội văn nghệ địa phương biểu diễn.
Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như giã bánh giầy, làm bánh trôi, xôi ngũ sắc với người dân địa phương; tìm hiểu truyền thống nhuộm vải, dệt vải, đánh bắt cá trên hồ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Vào mùa cao điểm du lịch, Ba Bể Green homestay đã tiếp đón hàng chục đến hàng trăm lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng và tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đặc sắc.
Từ thành công của những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên, huyện Ba Bể đã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh doanh dịch vụ đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Không chỉ là xây dựng mô hình du lịch thương hiệu, ngành du lịch Bắc Kạn còn xác định gắn các sản phẩm nông, lâm sản OCOP để tạo thêm sự hấp dẫn đối với du khách, trong đó quy hoạch các điểm bán sản phẩm OCOP và xây dựng thêm các dịch vụ du lịch đa dạng mang tính đặc trưng của địa phương.
Ngoài khu vực hồ Ba Bể, thời gian qua, Bắc Kạn còn phát triển một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động trải nghiệm như tại hồ Chúa Lải, huyện Chợ Mới; Du lịch cộng đồng thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể; Trải nghiệm chụp ảnh, tham quan và hái dâu tây tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn… góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Ba Bể nói riêng và Bắc Kạn nói chung.
Trung tâm Thông tin du lịch