Quảng Nam: Điểm nhìn cho du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn dần trở thành xu hướng và được du khách lựa chọn trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, được xem là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn.

Khách du lịch học cách sàng lúa. Ảnh: Hữu Khiêm

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với hoạt động nông nghiệp, nông thôn là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo. Tại Quảng Nam, các sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển.

Du lịch nông thôn nhìn từ Thái Lan

Từ năm 2016, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã đẩy mạnh việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng địa phương trên toàn quốc, giúp tăng thu nhập cho người dân bằng cách thúc đẩy du lịch nông nghiệp.

Làng Ban Mae Kampong cách trung tâm tỉnh Chiang Mai, Thái Lan khoảng 60km về phía Bắc. Ngôi làng được bao phủ bởi rừng núi hùng vĩ, cao hơn 1.300m so với mực nước biển nên có khí hậu mát mẻ quanh năm.

Ban Mae Kampong nằm dọc theo vườn quốc gia Chae Son được thành lập vào năm 1983. Hiện nay trà và cà phê là hai loại sản phẩm chính được khai thác và xuất khẩu thành công, mang thương hiệu của Ban Mae Kampong.


Khách du lịch học cách cày ruộng. Ảnh: Hữu Khiêm

Tương tự chính sách OCOP tại Việt Nam, Thái Lan phát triển chiến lược OTOP – Mỗi làng, một sản phẩm. Ban Mae Kampong là trung tâm sản xuất và phân phối “mieng” (lá trà lên men, dùng trong ẩm thực), gối lá trà, cà phê và du lịch sinh thái. Làng Mae Kampong đã nhận được Giải thưởng Quán quân Làng OTOP vì đã sản xuất ra sản phẩm gắn liền với bản sắc truyền thống.

Khi tham quan nơi đây, du khách không những được chiêm ngưỡng các ngôi nhà cổ hàng trăm năm với lối kiến trúc đặc trưng của vùng đồi núi phía Bắc mà còn được thăm thú cảnh quan thiên nhiên và hệ động thực vật đa dạng trong các khu rừng, những thác nước thơ mộng.

Ngoài ra, Ban Mae Kampong còn chú trọng lồng ghép các sản phẩm về trà và cà phê trong hoạt động du lịch. Du khách đến đây có thể tìm hiểu quy trình trồng cây và thưởng thức thức uống từ cà phê và trà mang đậm hương vị vùng Bắc Thái Lan. Du khách còn được xem và học cách đan lát các đồ dùng thủ công của người dân.

Các hộ kinh doanh homestay thành lập thành một nhóm riêng và trực thuộc quản lý của hội du lịch làng. Du khách cần liên hệ ban quản lý du lịch của làng khi có nhu cầu lưu trú qua đêm để được hỗ trợ phân bổ homestay (thay vì tự liên hệ trực tiếp). Các hộ kinh doanh lưu trú sẽ được phân công xoay vòng và chia đều số lượng khách.

Điều này giúp đảm bảo mức thu nhập đều đặn và công bằng cho tất cả hộ dân. Đồng thời các homestay cũng phải tuân theo các quy định về cơ sở vật chất và quy tắc ứng xử trong quá trình phục vụ khách nhằm đảm bảo chất lượng lưu trú luôn đạt tiêu chuẩn du lịch cao.

Du lịch Lộc Yên và những định vị ban đầu

Có thể thấy một sự tương đồng không nhỏ về đặc trưng tài nguyên du lịch giữa làng Ban Mae Kampong (Chiang Mai, Thái Lan) và làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước, Quảng Nam). Ban Mea Kampong là mô hình du lịch nông thôn điển hình mà làng Lộc Yên có thể tham khảo.

Làng cổ Lộc Yên nằm trong một thung lũng khá đẹp, được bao bọc bởi hệ thống sông, suối, núi phong phú. Vùng trũng thấp là ruộng đồng, khe suối, chỉ có duy nhất con đường dẫn vào làng là trung tâm của thung lũng, tạo nên bức tranh đầy thơ mộng của Lộc Yên.

Cùng với bức tranh đầy màu sắc đó, văn hóa kiến trúc đá chính là cái lõi tạo nên nét đặc trưng cho ngôi làng. Vật liệu đá được sử dụng trong hầu hết công trình kiến trúc tại đây, từ việc phân tầng cho bậc ruộng, xây ngõ cho đến lát đường đi, xây nhà, xây giếng nước… Tất cả tạo nên nét chấm phá gợi lên cái hồn, cái nhân văn của cư dân.

Hiện tại, Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm tuổi theo thiết kế nhà ba gian hai chái truyền thống của người Việt. Lộc Yên còn là nơi nổi tiếng với những loại trái cây đặc sản theo mùa.

Mô hình trồng cây ăn trái tại Lộc Yên cũng rất đặc biệt, chia thành 3 tầng thực vật, gồm: tầng trên cùng là các cây lâu năm như lòn bon, quế, mít, dâu đất, cau…; tầng giữa có chuối, tiêu, thanh trà, măng cụt…; tầng dưới là thơm (dứa), chè… Với cách thức trồng trọt như vậy, làng Lộc Yên hứa hẹn là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách muốn ghé thăm và thưởng thức hệ thống đặc sản.

Huyện Tiên Phước đã triển khai đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê trung du”.

Theo đó, làng cổ Lộc Yên đang xây dựng các sản phẩm du lịch làng quê, du lịch xanh gắn với các sản phẩm OCOP giữa không gian văn hóa thuần Việt. Với các thế mạnh trên, nếu được khai thác hiệu quả, làng cổ Lộc Yên hoàn toàn có thể bứt phá và trở thành điểm nhấn du lịch nông thôn nổi bật tại Việt Nam.

Nhiều việc phải làm

Để các mô hình làng du lịch nông thôn được định vị và phát triển theo hướng bền vững, cần đi kèm sản phẩm đậm chất bản địa, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng phục vụ…

Theo đó, định hướng “du lịch nông thôn” là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, gắn với hệ sinh thái và sản phẩm nông nghiệp theo chiến lược phát triển sản phẩm OCOP. Định hướng phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Nam không chỉ dừng lại với thị trường du khách nội địa mà còn hướng đến thị trường quốc tế.

Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn người dân cách thức phục vụ và văn hóa ứng xử du lịch để đạt chất lượng trải nghiệm tốt nhất đến du khách.

Bảo vệ môi trường gắn với duy trì bản sắc văn hóa địa phương là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Nam. Và cuối cùng liên kết vùng với các sản phẩm du lịch lân cận để tạo nên chuỗi giá trị du lịch đặc trưng của tỉnh.

Có thể thấy, Quảng Nam với những tài nguyên hiện có cộng với chính sách quy hoạch du lịch đúng đắn sẽ tạo tiền đề và bệ phóng để loại hình du lịch nông thôn trở thành từ khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn phát triển du lịch gắn với nông thôn tại một số nước trong khu vực và Việt Nam cho thấy, loại hình du lịch này đã được định hình như nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế và văn hóa xã hội.

Lê Thị Hồng Thúy – Trần Thị Bảo Hoàng

Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn