Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch sẽ tham gia chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa 2021

Triển khai Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2141/QĐ-UBND ngày 26/7/2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Khánh Hòa 2021.

Theo kế hoạch phạm vi thực hiện sẽ triển khai tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thực hiện trong năm 2021, đối tượng thực hiện gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc địa phương theo nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng gồm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện, lấy chủ thể kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân làm nòng cốt, cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.



Sầu riêng Khánh Sơn – Sản phẩm OCOP 2020


Theo nội dung kế hoạch, sản phẩm tham gia OCOP năm 2021 được phân thành 4 nhóm ngành gồm các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương, tổng số sản phẩm định hướng tham gia chương trình là 76 sản phẩm. Các nhiệm vụ thực hiện bao gồm: Hội nghị tổng kết chương trình OCOP giai đoanh 2018-2020 và triển khai 2021, hoàn thiện hệ thống tổ chức OCOP Khánh Hòa, tuân thủ, duy trì thực hiện chu trình OCOP thường niên, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo do trung ương tổ chức và tổng kết chương trình năm 2021. Mục tiêu của Chương trình là hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP, khuyến khích các sản phẩm có nguồn nguyên liệu rõ ràng, ổn định, chuẩn hóa, hoàn thiện ít nhất 76 sản phẩm đạt từ 3 sao cấp tỉnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các chủ thể kinh tế tham gia chương trình. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, tham gia tổ chức quảng bá tại các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh và quốc gia, xây dựng các ấn phẩm để quảng bá trên hệ thống tuyến du lịch, các điểm dừng chân, các danh lam thắng cảnh. Kinh phí thực hiện chương trình là 2,7 tỷ đồng, bao gồm từ ngân sách tỉnh và vốn đối ứng.


Theo nội dung Chương trình, công tác tổ chức thực hiện được phân công cho các Sở, ngành của tỉnh. Trong đó, Sở Du lịch được phân công chủ trì, phối hợp Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và UBND các địa phương cung cấp thông tin các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP và vận động, khuyến khích các đơn vị lữ hành bố trí khách du lịch đến các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương.


Luyện Mạnh Cường