Quảng Nam hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

6 năm qua, Quảng Nam tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất - kinh doanh cá thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của Quảng Nam tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP. Ảnh: PV

Tích cực hỗ trợ

Ông Trần Vũ Tánh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, những năm qua địa phương nỗ lực triển khai các phần việc liên quan để thực hiện hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP.

Theo đó, UBND huyện Quế Sơn thành lập tổ công tác liên ngành đi cơ sở để hướng dẫn chính quyền các địa phương và chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP, hoàn thiện sản phẩm; tổ chức các khóa tập huấn liên quan chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã và các chủ thể sản phẩm…

Trong giai đoạn 2018 – 2023, huyện Quế Sơn đã chi hơn 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương và tỉnh để hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình OCOP. Trong đó, phần lớn kinh phí ưu tiên hỗ trợ chủ thể đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn Quế Sơn có 21 sản phẩm được UBND tỉnh và huyện công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 17 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao.

“Năm 2024, UBND huyện Quế Sơn tiếp tục chi hỗ trợ 510 triệu đồng để các chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển mới 4 sản phẩm OCOP và tham gia đánh giá, phân hạng lại 2 sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn 3 sao.

Qua kết quả thẩm định ban đầu, cả 4 sản phẩm phát triển mới của năm nay đều đủ tiêu chuẩn xếp hạng OCOP 3 sao” – ông Trần Vũ Tánh cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tham quan cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên). Ảnh: PV

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện miền núi Hiệp Đức cũng tích cực hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Mai Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, thực hiện Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ chương trình OCOP, trong 3 năm 2021 – 2023 địa phương đã chi hơn 1,1 tỷ đồng giúp doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất – kinh doanh cá thể trên địa bàn xây dựng và phát triển mới 10 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.

“Việc triển khai Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh đã tạo điều kiện cho các chủ thể nắm bắt cơ chế, tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Từ đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, phát triển sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường…” – ông Sơn nhìn nhận.

Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2018 – 2023 UBND tỉnh đã phân bổ cho các ngành, địa phương hơn 70,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương và tỉnh để hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP.

Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục phân bổ gần 6,3 tỷ đồng vốn kinh phí sự nghiệp tỉnh và hơn 5,2 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để thực hiện chương trình này.

Kết quả Khả quan

Ông Trần Văn Noa thông tin, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam có 407 sản phẩm được UBND tỉnh và UBND cấp huyện quyết định công nhận đạt chuẩn OCOP.

Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, thời gian qua các chủ thể có điều kiện đẩy mạnh việc quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: PV

Trong đó, nhóm thực phẩm có 302 sản phẩm, nhóm đồ uống có 32 sản phẩm, nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu có 24 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ có 47 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng – du lịch sinh thái và điểm du lịch có 2 sản phẩm. Trong 407 sản phẩm đã đạt hạng sao OCOP, có 61 sản phẩm đạt 4 sao và 346 sản phẩm đạt 3 sao.

Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3-4 sao qua hơn 6 năm thực hiện chương trình là Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc, Tam Kỳ.

Chương trình đã thu hút được 325 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia, trong đó hộ sản xuất – kinh doanh cá thể chiếm số lượng lớn với 164 chủ thể (chiếm 50%), HTX và tổ hợp tác là 118 chủ thể (chiếm 36%), doanh nghiệp là 43 chủ thể (chiếm 14%).

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Chương trình OCOP đã tạo động lực, giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Nhiều sản phẩm tham gia chương trình này khi được công nhận đạt sao OCOP không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển”.

Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, năm 2024 toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 70 sản phẩm đăng ký công nhận lại.

Nhã Phương
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn