Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn ở Đắk Nông

Các tiêu chí tổ chức sản xuất, việc làm, thu nhập trong xây dựng NTM đang được các chủ thể OCOP thực hiện hiệu quả tại các địa phương.

Chương trình OCOP tại Đắk Nông đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.


Các HTX tổ chức sản xuất cho các thành viên, hộ liên kết và tạo việc làm cho người lao động

Toàn tỉnh hiện có 94 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 16 sản phẩm đạt 4 sao và 78 sản phẩm đạt 3 sao theo tiêu chí quốc gia. Nhiều sản phẩm không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Điển hình như sản phẩm hạt điều rang muối của Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông). Sản phẩm này đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Hàng năm, công ty có doanh thu lớn từ việc xuất khẩu hơn 130 tấn hạt điều sang các thị trường quốc tế. Thành công này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho doanh nghiệp mà còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mắc ca rang sấy của Công ty TNHH TMXNK Macca Sachi Thịnh Phát cũng là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Đắk Nông nhiều năm qua.

Công ty bán ra thị trường khoảng 50 tấn sản phẩm mỗi năm. Với chất lượng vượt trội, sản phẩm của công ty đã nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Công ty đã đóng góp tích cực vào thu nhập của nông dân sản xuất mắc ca trên địa bàn tỉnh và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 người/tháng.

Sản phẩm OCOP Đắk Nông đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn

Đắk Nông có 230 HTX nông nghiệp. Các HTX này tập trung vào nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ và đặc biệt là sản xuất các sản phẩm OCOP. Các HTX đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.400 lao động thường xuyên, đồng thời tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Những mô hình sản xuất này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, hướng tới phát triển bền vững.

Chẳng hạn, HTX Công Bằng Thuận An tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) được thành lập từ năm 2012. HTX có 120 thành viên, liên kết trồng, chăm sóc trên 400ha cà phê đạt các tiêu chuẩn RA, hữu cơ quốc tế FLO-Fair Trade. HTX đã giúp nông dân trong khu vực phát triển mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, bền vững, hiệu quả.

Sản phẩm cà phê bột của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và tiêu thụ mạnh mẽ trên thị trường trong, ngoài nước. HTX đã giúp người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản góp phần cải thiện thu nhập cho các thành viên HTX.

Các chủ thể OCOP đã tổ chức cho người dân, thành viên liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo quy trình bền vững, tiêu chuẩn

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 65,79 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 10 triệu đồng so với năm 2020. Kết quả này một phần nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của chương trình OCOP và các hoạt động kinh tế nông thôn.

Hiện nay có 51/60 xã trong tỉnh đã đạt tiêu chí về thu nhập, chiếm tỷ lệ 85%. Chương trình OCOP tại Đắk Nông đã cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.

Chương trình OCOP tỉnh Đắk Nông đã tạo ra bước tiến mới cho các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh. Chương trình không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân nông thôn mà còn góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Thu nhập vùng nông thôn, dân tộc thiểu số được nâng lên nhờ các sản phẩm OCOP và cách tổ chức sản xuất của các chủ thể OCOP

Sự hỗ trợ từ các HTX và doanh nghiệp, cùng sự phát triển của các sản phẩm OCOP, Đắk Nông đang từng bước đạt được các tiêu chí trong xây dựng NTM, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh.

Đắk Nông hiện có 60/60 xã đạt tiêu chí về lao động; 55/60 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 51/60 xã đạt tiêu chí về thu nhập.

Hưng Nguyên 

Báo Đắk Nông điện tử – baodaknong.vn