TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số

TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Khu du lịch sinh thái tại huyện Bình Chánh. (Ảnh minh họa: PV)

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị xác định rõ nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả và thống nhất giữa các Sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức trong tổ chức triển khai thực hiện. Phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch.

Các nhiệm vụ đề ra phải thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, bám sát nội dung của Chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030 và Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, khai thác những đặc trưng riêng về nông nghiệp, nông thôn để phát triển du lịch Thành phố theo hướng xanh, bền vững.

TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng ít nhất từ 01 sản phẩm tại điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu xây dựng 02 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TP Hồ Chí Minh./.

Phú Đức
Báo điện tử ĐCSVN – dangcongsan.vn