Xã Cán Tỷ và Lùng Tám là những xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ bao đời nay, bà con vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống từ sinh hoạt đến sản xuất. Bởi vậy, hầu hết phụ nữ Mông nơi đây đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Do quá trình trao truyền cũng như sự sáng tạo, bí quyết riêng của mỗi cá nhân, qua các thế hệ lại tạo ra những hoa văn độc đáo và mang tính nghệ thuật cao.
Truyền dạy vẽ sáp ong trên vải cho thế hệ trẻ
Để hoàn thành một bộ váy áo từ vải lanh, phụ nữ dân tộc Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, phức tạp, cần sự khéo léo, kiên trì và thời gian. Tuy nhiên, công đoạn có yếu tố quyết định đến giá trị về thẩm mỹ chính là tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong. Theo các nghệ nhân, kỹ thuật này bắt nguồn từ nhu cầu tìm kiếm phương pháp vẽ họa tiết bắt mắt và tốn ít thời gian hơn. Dù đã sử dụng nhiều nguyên liệu nhưng phải tới sáp ong họ mới nhận thấy độ bám dai, đường nét sắc sảo, không dễ phai màu. Hơn thế nữa, sáp cũng rất dễ tìm kiếm. Từ đó, người Mông dần phổ biến kỹ thuật vẽ này.
Điểm khác biệt nhất của kỹ thuật vẽ sáp ong là dùng lửa. Trước khi bắt đầu, người phụ nữ sẽ chuẩn bị chảo sáp nhỏ, bút đồng, vải lanh, nước chàm và sáp ong. Sáp ong có 2 loại màu vàng và màu đen (đã lấy hết mật) rồi nấu chảy, trộn đều tương ứng với độ đậm nhạt màu sắc. Trong suốt quá trình vẽ sáp được giữ nóng liên tục. Họa tiết tạo ra muốn nét đẹp còn phụ thuộc vào bút đồng. Người Mông thường thiết kế bút cực kỳ độc đáo với cán tre, và 2 lá đồng có khe ở giữa để vẽ.
Đặc biệt, khi vẽ hoa văn (hình tam giác, hình trôn ốc, đồng tiền, chữ thập…), người phụ nữ phải ngồi ở bếp lửa, chấm bút vào bát sáp ong nóng đặt trên than hồng. Vẽ đến đâu, quấn vải đến đó. Tỉ mỉ, kỳ công và đòi hỏi sự sáng tạo nên để hoàn chỉnh một dải vải làm thân váy, người phụ nữ phải mất cả tuần, cả tháng, thậm chí vài tháng. Sau khi vẽ xong toàn bộ trang phục, tấm vải được mang đi luộc, nhuộm chàm và phơi nắng mới hoàn chỉnh. Lâu và kỳ công là vậy nhưng mỗi phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ở xã Cán Tỷ và Lùng Tám vẫn luôn gìn giữ cách làm này.
Bà Sùng Thị Máy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Cán Tỷ chia sẻ: “Đa số phụ nữ người Mông ai cũng biết dệt vải lanh để làm trang phục dân tộc, trong đó công đoạn không thể thiếu để làm nên bộ trang phục có hoa văn chi tiết, sặc sỡ thì không thể bỏ qua công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong. Nhờ có đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, HTX đã có một số sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, các sản phẩm như: Ví, túi sách… Những năm qua trên địa bàn xã đã được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp mở một số lớp dạy may mặc cho các học viên có tay nghề, sau khi tốt nghiệp chúng tôi cũng đã nhận một số học viên vào làm việc tại HTX”.
Đồng chí Sùng Mí De, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ cho biết: “Trên địa bàn xã đã tích cực bảo tồn văn hóa của dân tộc Mông. Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh hiện nay được truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu, thực hành trực tiếp, do những người phụ nữ lớn tuổi truyền dạy. Để bảo tồn và lưu giữ nét đẹp truyền thống này, hằng năm vào những ngày lễ, Tết, xã tổ chức cho các thôn thi trình diễn trang phục dân tộc, thi dệt và vẽ sáp ong trên vải. Từ các lễ hội du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm các công đoạn làm ra một bộ trang phục dân tộc Mông. Vì vậy, nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong mang bí quyết nghề và tính mỹ thuật cao này vẫn được giữ gìn và phát huy”.
Hy vọng rằng, với những nghệ nhân còn rực lửa đam mê gìn giữ nghề truyền thống như các nghệ nhân ở HTX dệt lanh Cán Tỷ và Lùng Tám, nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của đồng bào Mông sẽ còn lưu giữ mãi.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Báo Hà Giang – baohagiang.vn