Sản phẩm bột bánh canh tươi Vạn Linh của Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh, ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong được chứng nhận OCOP 3 sao -Ảnh: T.T
Năm nay, huyện Triệu Phong có 15 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 7 ý tưởng đăng ký mới, 3 sản phẩm đăng ký công nhận lại. Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh, ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong đăng ký tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm mới là bún tươi sấy khô Nhất Linh.
Ông Đặng Tôn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: “Với mong muốn tạo ra thêm được một sản phẩm mới dựa trên nền tảng làng nghề để khách hàng có thêm sự lựa chọn chất lượng, chúng tôi sản xuất bún tươi sấy khô từ sợi bún tươi Vạn Linh. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn haccp, đóng gói tiện lợi theo từng khẩu phần ăn và bảo quản dễ dàng. Cái tiện lợi của sản phẩm này là chỉ cần vài phút chế biến, sợi bún có vị ngon như bún tươi”.
Đến nay, cơ sở đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Qua khảo sát, Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ nâng cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng các sản phẩm.
Sản phẩm măng sấy khô của Tổ hợp tác Doa Bụt, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã được chứng nhận OCOP từ năm 2021, nay đã đến hạn phải đánh giá, công nhận lại. Ông Hà Ngọc Anh Dũng, đại diện tổ hợp tác cho biết: “Khó khăn hiện nay là tìm kiếm thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đối với sản phẩm này, sản lượng sản xuất cao nhất đến nay là khoảng 1,5 tấn/năm. Chúng tôi mong muốn khi sản phẩm được đánh giá, chứng nhận lại đạt tiêu chuẩn OCOP thì được hỗ trợ thêm về tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường”.
Để hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá lại sản phẩm, cơ sở cần phải bổ sung báo cáo tự đánh giá về sản phẩm, rà soát lại thời hạn của các hợp đồng liên kết thị trường trong nước, xuất khẩu, các liên kết nguyên liệu có sự tham gia của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2024, tỉnh chọn chủ đề “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của địa phương” để triển khai thực hiện chương trình OCOP.
Theo kế hoạch sẽ tổ chức 5 – 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai thực hiện, chủ thể tham gia chương trình OCOP. Chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể về xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, thực hiện xây dựng liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm 25- 30 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao, đánh giá và công nhận lại cho các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2021, hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2021- 2023.
Đối với việc khảo sát, lựa chọn ý tưởng sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng phát triển lên hạng 5 sao, tỉnh ưu tiên lựa chọn các sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh về vùng nguyên liệu, tài nguyên của địa phương, các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn.
Ưu tiên tư vấn, hướng dẫn cho các chủ thể xây dựng sản phẩm 4 sao, 5 sao, chủ thể mới tham gia chương trình OCOP lần đầu. Triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm đã có, sản phẩm đã được công nhận. Căn cứ theo mức độ hoàn thiện của các sản phẩm để hỗ trợ cải tiến, nâng cấp sản phẩm phù hợp với chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá, phân sản phẩm OCOP và điều kiện của cơ sở sản xuất.
Các chủ thể được hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu, hoàn thiện, phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì, chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công bố, quản lý chất lượng sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm OCOP…
Qua khảo sát thực trạng các chủ thể và và sản phẩm đăng ký tham gia chương trình năm 2024 trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa số các ý tưởng sản phẩm phù hợp với tiêu chí của chương trình, có tiềm năng xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP năm 2024.
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm có khả năng đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của sản phẩm OCOP hạng 4 sao còn ít do chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh ổn định tối thiểu trên 3 năm, chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, sản phẩm đặc trưng, chủ lực, có thế mạnh của địa phương, bảo hộ nhãn hiệu.
Theo ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, để triển khai chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2024 đạt tiến độ, ngoài các sản phẩm đã khảo sát, phòng nông nghiệp và PTNT huyện, UBND các xã cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ theo tiêu chí, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP hết thời hạn làm hồ sơ tham gia đánh, giá, công nhận lại trong năm 2024 theo quy định.
Mặt khác chủ thể tham gia chương trình OCOP cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Thanh Trúc
Báo Quảng Trị – baoquangbinh.vn