Mô hình sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị của Tổ hợp tác sen Lê Bo (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh)
Nhiều tín hiệu lạc quan
Tháng 8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành hàng sen được chuyển từ ngành hàng tiềm năng thành ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, ngành hàng sen tỉnh nhà có sự phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững. Các nhân tố trong chuỗi sản xuất cũng có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất, quan tâm nhiều hơn đến thực hiện chuỗi liên kết. Đây được xem là nền tảng quan trọng để Đồng Tháp từng bước xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng sen theo hướng bền vững, chuyên nghiệp hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn tỉnh đạt 1.838ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025 là 1.400ha). Hiện một số địa phương có diện tích canh tác sen lớn gồm các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông.
Song song với việc mở rộng vùng nguyên liệu, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với nhiều đơn vị liên quan thực hiện lưu trữ, nhân giống, trồng khảo sát các giống sen được tiếp nhận từ Lễ hội Sen lần I năm 2022. Kết quả đã chọn được một số giống sen chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của tỉnh. Hiện tại, ngoài giống sen hồng chuyên lấy gương và lấy ngó bản địa, Đồng Tháp có trên 50 chủng loại giống sen phục vụ nhu cầu canh tác của nông dân…
Thông tin về những giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển canh tác sen theo hướng bền vững, ông Trần Văn Nhãn – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh, cho biết: Thời gian qua, nhằm giúp cho người nông dân có được quy trình canh tác sen bền vững, hướng tới chất lượng cao, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai một số mô hình canh tác sen theo hướng bền vững như: “Xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100ha chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm” thực hiện tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười; mô hình chuyên canh sen lấy củ, quy mô 3ha/hộ tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười; mô hình trồng sen kết hợp nuôi trữ cá, quy mô 2ha tại xã Phú Thành B, huyện Tam Nông; thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hỗ trợ chiến lược trữ nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” giai đoạn 2023 – 2025 do Tổ Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Việt Nam tài trợ… Bước đầu các mô hình đã góp phần giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận với các mô hình sản xuất mới, hiện đại, giúp sản phẩm sen của Đồng Tháp tăng chất lượng, đa dạng hơn về chủng loại và phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của thị trường…
Bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức canh tác, việc đẩy mạnh chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng được ngành nông nghiệp Đồng Tháp quan tâm. Việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm… Đặc biệt thời gian qua, nhằm giúp tăng cường độ nhận diện sản phẩm sen của Đồng Tháp trên thị trường, ngành nông nghiệp thực hiện “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen. Đây là nền tảng quan trọng để ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển bền vững hơn.
Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích canh tác sen lớn của tỉnh
Khắc phục điểm nghẽn
Với sự vào cuộc “hết mình” của ngành nông nghiệp, sự tâm huyết của nông dân và doanh nghiệp, ngành hàng sen tỉnh nhà đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng thể, ngành hàng sen vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo đánh giá từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, hiện ngành hàng sen vẫn còn một số hạn chế như: bộ giống sen còn ít, chủ yếu là các giống sen bản địa, truyền thống; giống sen bị thoái hóa. Một số loại bệnh trên cây sen ở các vùng chuyên canh chưa có giải pháp khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến năng suất. So với ngành hàng khác của tỉnh, việc ứng dụng cơ giới hóa cho ngành hàng sen còn rất hạn chế, phần lớn các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công, chưa có máy móc hỗ trợ nên tốn rất nhiều chi phí cho các khâu này. Mặt khác, chưa có những mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, đồng bộ; chưa hình thành được vùng nguyên liệu sen sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng, đồng đều và số lượng đủ lớn để có thể thực hiện các hợp đồng liên kết tiêu thụ nhằm giảm bớt trung gian, tăng thu nhập cho nông dân. Việc tiêu thụ sen trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay chủ yếu thông qua thương lái…
Nhìn nhận rõ những khó khăn trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ giúp ngành hàng chủ lực này phát triển. Trong đó, các giải pháp được ngành nông nghiệp đề ra như: rà soát quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch… Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, có mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc; cải thiện quy trình canh tác sen bền vững, chuẩn hóa, đa dạng hóa giống sen, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ như sen lấy củ, lấy thân, lấy lá, lấy gương…
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt thực hiện ký kết liên kết tiêu thụ với nông dân trồng củ sen huyện Tháp Mười (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết: “Hiện tại, ngành nông nghiệp đang thực hiện các giải pháp nhằm chuẩn hóa quy trình canh tác sen để chuyển giao cho nông dân. Song song đó, ngành đang xây dựng bản đồ phân bố vùng nguyên liệu sen trên địa bàn tỉnh nhằm thuận lợi cho việc quản lý, giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc tiếp cận vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, để chuỗi sản xuất ngành hàng sen bền vững hơn, các doanh nghiệp cần phải đóng vai trò “đầu tàu” trong việc định hướng và dẫn dắt nông dân. Doanh nghiệp đặt hàng cụ thể để nông dân sản xuất phù hợp… Về phía người nông dân, cần đảm bảo tuân thủ các quy định doanh nghiệp đưa ra nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất cho đầu ra sản phẩm sen. Trên tinh thần xây dựng chuỗi sản xuất ngành hàng sen theo hướng bền vững, bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của ngành chức năng cần sự chung tay từ doanh nghiệp và nông dân nhằm nâng tầm thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sen Đồng Tháp…”.
Mỹ Lý
Báo Đồng Tháp – baodongthap.vn